Trường Đại học Bách khoa có 03 dự án nghiên cứu được Quỹ Đổi mới sáng tạo (VINIF) của Tập đoàn Vingroup tài trợ
27/07/2023 16:28
Ngày 26&27/7/2023, tại Hà Nội, Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VINIF) tổ chức Hội thảo "Dấu ấn 5 năm hoạt động" tổng kết hành trình đồng hành thúc đẩy nghiên cứu khoa học Việt Nam với sự tham gia của hơn 300 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý, hoạch định chính sách phát triển KHCN và ĐMST trong các trường ĐH, viện nghiên cứu của cả nước.
Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng vinh dự có 03 dự án chủ trì thuộc các nhóm nghiên cứu được ghi nhận, đánh giá có những kết quả tích cực, góp phần phát triển khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST). Các dự án có các mã số là VINIF.2019. DA06, VINIF.2019.DA05, VINIF.2020.DA19.
GS. Vũ Hà Văn - Giám đốc khoa học VINIF trao Chứng nhận hoàn thành Dự án VINIF.2019. DA06 cho Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN
Dự án “Thông tin quang thông minh cho mạng dữ liệu cực lớn” (Mã số: VINIF.2019. DA06) do Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN chủ trì, chủ nhiệm Dự án là PGS.TS. Nguyễn Tấn Hưng, TS. Lê Thái Sơn đã được công nhận hoàn thành (Quyết định số 1606/2022/QĐ-VNCSLL-VINIF).
Mục tiêu của Dự án VINIF.2019. DA06 nhằm phát triển hệ thống thông tin quang thông minh có khả năng tự phát hiện và khắc phục các yếu tố làm suy giảm chất lượng hệ thống như các loại tín hiệu tuyến tính và phi tuyến mà không cần đo đạc trạng thái kênh; Thích nghi với các điều kiện kênh truyền động trong mạng dữ liệu cực lớn bằng việc lựa chọn và nhận dạng các thông số kênh truyền phù hợp để nâng cao chất lượng, dung lượng, số lượng người dùng và hiệu suất sử dụng phổ; Giám sát và điều khiển thời gian thực các thông số kênh truyền và mạng để dự đoán lỗi mạng, tắc nghẽn, giám sát và điều khiển mạng…
Bên cạnh các kết quả, mục tiêu nghiên cứu đã được chứng nhận hoàn thành, Dự án đã có 06 bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín (Q1), 01 bài công bố tại Hội thảo (A*), trong đó 01 bài đạt giải “Best Paper Award”.
Điểm nổi bật là qua Dự án được nghiên cứu triển khai đã có 01 sáng chế sở hữu trí tuệ được cấp Bằng Bảo hộ Hoa Kỳ; 03 sáng chế được chấp nhận đơn và hỗ trợ đào tạo 03 nghiên cứu sinh làm Tiến sĩ.
Dự án “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để dự báo sớm năng lượng tiêu thụ của các tòa nhà hướng đến phát triển bền vững” (Mã số: VINIF.2019.DA05) do Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN chủ trì, TS. Ngô Ngọc Tri là Chủ nhiệm dự án, Đồng chủ nhiệm: PGS.TS. Phạm Anh Đức và 03 thành viên gồm: TS. Huỳnh Nhật Tố, ThS. Trương Thị Thu Hà, ThS. Trương Ngọc Sơn. Dự án này đã hoàn thành nội dung và đang được nghiệm thu.
TS. Ngô Ngọc Tri (bên phải) và PGS.TS. Phạm Anh Đức (bên trái) chủ nhiệm đề với Mã số: VINIF.2019.DA05
Xuất phát từ nhu cầu năng lượng đã tăng lên đáng kể trong lĩnh vực xây dựng. Các tòa nhà đã đóng góp đáng kể vào việc tiêu thụ năng lượng trên thế giới và phát thải khí nhà kính. Các mô hình dự đoán năng lượng tiêu thụ trong các tòa nhà là rất quan trọng để cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng. Dự án nghiên cứu này đã đề xuất được mô hình dự báo dựa trên trí tuệ nhân tạo, tích hợp học máy và thuật toán tối ưu siêu khám phá để dự báo năng lượng tiêu thụ của tòa nhà người dùng chủ động tiết kiệm năng lượng trong quá trình sử dụng.
Mô hình được đề xuất, cụ thể là SAMFOR, được cấu thành bởi đường trung bình động tích hợp tự hồi quy theo mùa (SARIMA), hồi quy vectơ hỗ trợ (SVR) và thuật toán tối ưu hóa con đom đóm (FA). Mô hình đã giải quyết được những thách thức như (1) chọn giá trị độ trễ thích hợp cho dự đoán theo chuỗi thời gian trong các tòa nhà, (2) xác định bộ đầu vào thích hợp cho dự đoán, (3) chọn kích thước dữ liệu học tập thích hợp cho một dự đoán và (4) tối ưu hóa các tham số của mô hình dự đoán.
Một tập dữ liệu lớn về mức tiêu thụ năng lượng hàng giờ được thu thập từ hàng trăm tòa nhà ở Tp. Đà Nẵng, Việt Nam đã được sử dụng để đào tạo và kiểm tra hiệu suất của mô hình đề xuất. Kết quả so sánh khẳng định tính hiệu quả của mô hình đề xuất. Các kết quả dự đoán cung cấp cho chủ sở hữu tòa nhà, người quản lý tòa nhà và người sử dụng thông tin chi tiết và tài liệu tham khảo để điều chỉnh hành vi của họ và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, phát hiện bất thường trong sử dụng năng lượng cũng như quản lý và kiểm soát năng lượng.
Kết quả nghiên cứu đạt được yêu cầu so với mục tiêu đề ra. Nhóm tác giả đã công bố 03 bài báo thuộc các tạp chí quốc tế hạng SCIE, Q1 và hội thảo hàng đầu hạng A; 01 bài báo hội nghị quốc tế theo đăng ký trong thuyết minh đã được đăng trên tạp chí thuộc danh mục SCIE, Q1; 01 bộ dữ liệu về năng lượng tiêu thụ của các tòa nhà tại Đà Nẵng gồm hơn 600 tòa nhà; 01 mô hình dự báo năng lượng dựa trên trí tuệ nhân tạo.
Dự án “Phân tích chuỗi dữ liệu lớn có tần suất cao trong công nghiệp sản xuất thông minh” (Mã số: VINIF.2020.DA19) của Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN chủ trì, TS. Nguyễn Thị Phương Quyên, TS. Phan Nguyễn Kỳ Phúc làm Chủ nhiệm cũng đang được triển khai tích cực theo yêu cầu, tiến độ.
Đây là các dự án đã được tuyển chọn bởi quy trình khoa học nghiêm túc, chặt chẽ của các Hội đồng, chuyên gia của VINIF và nhận được sự tài trợ kinh phí thực hiện từ Quỹ VINIF.
Được biết, tổng kinh phí của Quỹ dành cho các hoạt động tài trợ đến nay đã hơn 750 tỉ đồng. Cụ thể, trong lĩnh vực KHCN: Quỹ đã tài trợ cho hơn 100 dự án, 6 đề án đào tạo thạc sĩ liên kết, hơn 1.100 suất học bổng thạc sĩ, tiến sĩ và 90 suất học bổng sau tiến sĩ. Ở lĩnh vực Văn hóa lịch sử, Quỹ đã tài trợ 8 dự án cùng 30 sự kiện. Ngoài ra, VINIF cũng liên tục tổ chức và triển khai 130 hội thảo KHCN uy tín, các bài giảng đại chúng có tầm ảnh hưởng sâu rộng với nhiều Giáo sư hàng đầu thế giới và trong nước.
Những con số ấn tượng qua các chương trình tài trợ của VINIF
Kết quả sau 5 năm, VINIF đã góp phần tạo ra hàng ngàn công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, gần 400 sản phẩm, trên 70 phát minh sáng chế, gần 20 doanh nghiệp start-up, spin-off (hình thức thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ) hình thành. Các chương trình của VINIF đã góp phần thay đổi văn hóa nghiên cứu khoa học, hạn chế tình trạng chảy máu chất xám, tạo nên những ngành đào tạo mới cho đất nước như các ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo. VINIF cũng đồng thời thúc đẩy việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử mang bản sắc dân tộc.
Sự hiện diện của các nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN tại sự kiện góp phần nâng cao uy tín, vị thế Nhà trường trong hoạt động KHCN
Theo GS. Vũ Hà Văn-Giám đốc Khoa học Quỹ VINIF-Tập đoàn Vingroup chia sẻ, sự đồng hành của VINIF với mong muốn góp phần kiến tạo văn hóa nghiên cứu khoa học sáng tạo, trung thực, đạt chuẩn mực quốc tế, hình thành lớp các nhà khoa học trẻ cho đất nước, có đóng góp, trách nhiệm với xã hội. Đây là tiền đề để tạo nên những bước ngoặt, dấu ấn mới, lớn hơn cho KHCN Việt Nam tiếp tục phát triển.
Đại diện Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) chụp ảnh lưu niệm cùng các vị đại biểu
Với sự đồng hành, hỗ trợ thiết thực, có ý nghĩa thể hiện trách nhiệm xã hội của VINIF, nhiều dự án, công trình nghiên cứu của các nhà khoa học có cơ hội được đầu tư thêm nguồn lực để triển khai, hiện thực ý tưởng, giải pháp và các sản phẩm hữu ích phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh cho các địa phương, doanh nghiệp, đóng góp phát triển các vùng và đất nước, nhất là góp phần vào sự nghiệp giáo dục đào tạo, phát triển KHCN.
Biên tập: Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN