DUT sẽ đào tạo và nghiên cứu thiết kế vi mạch
29/09/2023 13:52
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của công nghệ, bao gồm Internet of Things (IoT), Artificial Intelligence (AI) và các ứng dụng mới khác, đặc biệt là trong các lĩnh vực như y tế, ô tô tự hành và năng lượng tái tạo, đã đặt ra nhu cầu cao về nguồn nhân lực trong ngành Vi điện tử (công nghệ bán dẫn, thiết kế vi mạch).
Nắm bắt được nhu cầu của xã hội, ngày 29.09.2023, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng tổ chức buổi hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực sản xuất chip bán dẫn và mở chuyên ngành đào tạo kỹ sư Vi điện tử” nhằm đẩy mạnh hơn nữa trong việc đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực Vi điện tử. Dự kiến trong thời gian tới, Trường sẽ mở thêm chuyên ngành Vi điện tử để cung cấp nguồn nhân lực chuyên sâu về lĩnh vực này.
Quang cảnh và đại biểu tham dự hội thảo
Tham dự hội thảo, về phía Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN có PGS.TS Nguyễn Đình Lâm - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS Nguyễn Hồng Hải - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; đại diện Lãnh đạo của các đơn vị chức năng: Phòng Đào tạo, Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên và Quan hệ Doanh nghiệp, Phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế và các khoa có liên quan: Khoa Điện tử - Viễn thông, Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến, Khoa Điện, Khoa Công nghệ thông tin và Khoa Cơ khí.
Các chuyên gia đến từ doanh nghiệp tham dự hội thảo gồm:
1. Ông Nguyễn Bảo Anh - Giám đốc Kỹ thuật, phụ trách phát triển các dự án công nghệ cao, Trưởng Văn phòng Synopsys Việt Nam tại Đà Nẵng.
2. Trần Ngọc Quốc Huy - Trưởng Phòng, Ban Phát Triển Sản Phẩm SoC, Nhóm Giải Pháp Xử Lý Nhúng, Năng Lượng Kỹ Thuật Số và Chuỗi Tín Hiệu, Tập đoàn Điện Tử Renesas.
3. Đinh Quang Trường - Phó Giám đốc Kỹ thuật, Công ty Synapse Design Vietnam
4. Ông Võ Thành Văn - Đại diện Văn phòng Đà Nẵng, Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel.
5. Ông Thái Xuân Hồng Nhật - Trưởng phòng Kỹ thuật số, Công ty Savarti.
Hội thảo còn có sự tham gia của các giảng viên và gần 100 sinh viên Trường Đại học Bách khoa quan tâm đến lĩnh vực Vi điện tử.
PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN phát biểu
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa cho biết: “Việt Nam được đánh giá có hệ sinh thái bán dẫn phát triển nhanh, tiềm năngnâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tại Thành phố Đà Nẵng có nhiều khu công nghiệp và đây là 01 trong 03 khu vực trong cả nước hội tụ nguồn nhân lực thiết kế vi mạch lớn nhất Việt Nam. Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN hiện tại chưa đào tạo ngành thiết kế vi mạch. Tuy nhiên, hằng năm Nhà trường đã cung cấp hơn 1000 nhân lực kỹ sư trong lĩnh vực này. Sinh viên tốt nghiệp từ các Khoa Điện tử - Viễn thông, Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến, Khoa Điện, Khoa Công nghệ thông tin và Khoa Cơ khí đều đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp về lĩnh vực thiết kế vi mạch. Với mong muốn cung cấp nguồn nhân lực dồi dào hơn vào ngành sản xuất vi mạch, cũng như hình thành một địa chỉ uy tín đào tạo về vi mạch ở Thành phố Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN dự kiến sẽ mở ngành đào tạo Kỹ sư Vi điện tử và bắt đầu tuyển sinh từ năm 2024”.
PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu đã gửi lời cảm ơn đến các doanh nghiệp tham dự và hy vọng với những chia sẻ, định hướng của doanh nghiệp sẽ làm cơ sở góp phần vào quá trình xây dựng Chương trình đào tạo Kỹ sư Vi điện tử, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động.
Sinh viên Nhà trường quan tâm đến nhu cầu nhân lực lĩnh vực Vi điện tử
Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng hiện đào tạo 36 ngành/chuyên ngành trình độ Đại học. Liên quan đến lĩnh vực Vi điện tử (công nghệ bán dẫn, thiết kế vi mạch), có gần 30 môn học bao gồm từ công nghệ đến thiết kế, được triển khai trong các chương trình đào tạo thuộc các khoa: Điện tử - Viễn thông, Công nghệ thông tin, Khoa học Công nghệ tiên tiến, Điện và Cơ khí. Ngoài các giờ học lý thuyết, sinh viên cũng được tiếp cận thực hành với các phần mềm thường được sử dụng trong đào tạo kĩ sư ngành vi mạch bán dẫn. Về cơ bản, sinh viên có thể hiểu rõ nguyên lý hoạt động và nguyên lý thiết kế dùng trong vi mạch bán dẫn, có thể phần lớn đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các công ty thiết kế vi mạch trên thị trường.
Phần trình bày của các công ty đầu ngành trong lĩnh vực thiết kế vi mạch Đặc biệt, trong buổi tọa đàm, đại diện các công ty như Synopsys, Renesas, Synapse, VHT (Tổng công ty công nghiệp công nghệ cao Viettel), Savarti đã trao đổi với Nhà trường về nhu cầu nhân lực của công ty trong thời gian đến, các mảng kiến thức/kỹ năng cần thiết đối với kỹ sư được tuyển dụng và khả năng công ty hợp tác với nhà trường trong đào tạo và nghiên cứu về Vi điện tử (công nghệ bán dẫn, thiết kế vi mạch) và các lĩnh vực có liên quan. Các doanh nghiệp nhấn mạnh tầm quan trọng và cần thiết của ngôn ngữ Tiếng Anh nhằm phục vụ chuyên sâu cho công việc và giao tiếp trong môi trường hội nhập hiện nay.
TS. Ngô Minh Trí Trưởng khoa Khoa Điện tử - Viễn thông trình bày định hướng mở chuyên ngành Vi điện tử
Về mục tiêu đào tạo chuyên ngành Vi điện tử, TS. Ngô Minh Trí - Trưởng khoa Khoa Điện tử - Viễn thông cho biết: “Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, chuyên ngành Vi điện tử được thiết kế nhằm trang bị cho người học các kiến thức về: vật liệu điện tử, vật lý bán dẫn, hệ thống nhúng, thiết kế vi mạch tích hợp, kiểm thử, công nghệ sản xuất vi mạch để nghiên cứu giải quyết các vấn đề về linh kiện bán dẫn, thiết bị và hệ thống vi điện tử”. Đào tạo người học có kiến thức chuyên môn toàn diện trong lĩnh vực Vi điện tử và kiến thức khoa học kỹ thuật liên ngành; có kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu trong lĩnh vực Vi điện tử; khả năng làm việc độc lâp, sáng tạo; khả năng làm việc nhóm; có đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp; có ý thức phục vụ cộng đồng; có năng lực nghiên cứu, phát hiện, giải quyết vấn đề và đưa ra những kết luận mang tính chuyên gia trong lĩnh vực Vi điện tử”.
Về cơ hội việc làm, Kỹ sư ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, chuyên ngành Vi điện tử có thể đảm nhận các công việc như:
- Kỹ sư về thiết kế vi mạch và các thiết bị điện tử
- Các vị trí công việc liên quan đến lĩnh vực hệ thống nhúng và IoT; dây chuyền sản xuất và kiểm thử linh kiện, thiết bị, vi mạch điện tử
- Viện nghiên cứu, học lên trình độ cao hơn…
- Một số công ty tiêu biểu: Renesas, Synopsys, Savarti, Uniquify, Synapse, Sanei Hytechs, VHT (Viettel), MuRata, Premo, FPT Semiconductor, Amkor, Samsung, Intel, LG, Nippon Seiki, Microchip, Foxconn, Sein,…
Các đại biểu, khách mời và sinh viên chụp ảnh lưu niệm
Tại Hội thảo, rất nhiều vấn đề quan tâm đến lĩnh vực thiết kế vi mạch được các em sinh viên đặt câu hỏi cho các chuyên gia, doanh nghiệp. Đại diện các doanh nghiệp cũng chia sẻ và giải đáp cặn kẽ những thắc mắc của các em sinh viên, đồng thời nhấn mạnh các em không chỉ cần trau dồi kiến thức về chuyên ngành, kỹ năng về Tiếng Anh mà cần phải có thái độ cầu tiến, tìm hiểu về văn hóa của Công ty để ứng tuyển cho phù hợp. Doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn phía Khoa và Nhà trường nên cân nhắc trong chương trình đào tạo của ngành có các môn cần được chú trọng như Cấu kiện điện tử, kỹ thuật số, kỹ thuật mạch tương tự,… Đồng thời về phía Doanh nghiệp cũng rất ủng hộ việc mở ngành Kỹ sư Vi điện tử và sẽ cố gắng hỗ trợ tối đa trong việc góp ý khung chương trình đào tạo.
Sự gia tăng về nhu cầu tuyển dụng trong các công ty vi mạch điện tử, cùng với những yêu cầu doanh nghiệp về nguồn lao động chất lượng cao lĩnh vực công nghệ bán dẫn, thiết kế vi mạch, sẽ là động lực quan trọng để Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng xây dựng một chương trình đào tạo Kỹ sư Vi điện tử đáp ứng kỳ vọng của người học và xã hội trong thời gian tới.
Một số hình ảnh thảo luận:
Ông Nguyễn Bảo Anh - Giám đốc Kỹ thuật, phụ trách phát triển các dự án công nghệ cao, Trưởng Văn phòng Synopsys Việt Nam tại Đà Nẵng chia sẻ
Tin, ảnh: Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN