Cải tạo cầu Nguyễn Văn Trỗi – Dấu ấn của các Kỹ sư Cầu đường Trường Đại học Bách Khoa- Đại học Đà Nẵng
13/10/2020 15:11
Hình ảnh Cầu Nguyễn Văn Trỗi trong thời chiến tranh cho đến năm 2000
Cầu Nguyễn Văn Trỗi bắc ngang qua sông Hàn, nằm song song với cầu Trần Thị Lý. Cây cầu được Quân đội Mỹ xây dựng năm 1966, gồm 14 nhịp giàn thép Poni có tổng chiều dài 513,8m, bề rộng cầu 10,5m, phần xe chạy 8,5m. Phần hạ bộ là trụ khung giàn thép, theo kiểu các trụ dầu khí trên biển.
Sau ngày đất nước thống nhất, cây cầu được mang tên người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Năm 1978, mặt cầu bằng gỗ được dỡ bỏ thay bằng kết cấu bê tông cốt thép. Năm 1996, mặt cầu tiếp tục được thay thế bằng hệ bản thép trực hướng trên thảm bê tông nhựa, để giảm tĩnh tải mặt cầu khi khai thác.
Cầu Nguyễn Văn Trỗi được quyết định giữ nguyên hiện trạng như một nhân chứng lịch sử, phục vụ du lịch
Theo kế hoạch ban đầu, khi cầu mới Trần Thị Lý được xây dựng xong, cầu Nguyễn Văn Trỗi sẽ được tháo dỡ nhằm thực hiện công cuộc đô thị hóa. Tuy nhiên, trong lần thị sát công trình đầu tháng 02/2012, cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu giữ lại cây cầu để làm cầu đi bộ, đồng thời bố trí cảnh quan phù hợp, tạo điểm dừng chân cho người dân và du khách có thể dừng trên cầu nghỉ ngơi, vãn cảnh sông Hàn cùng vẻ đẹp của cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý (mới) sau khi hoàn thành.
Cầu Nguyễn Văn Trỗi được thiết kế và cải tạo bởi những Kỹ sư Cầu đường Đà Nẵng
Ngoài việc chỉ đạo giữ nguyên hiện trạng cầu Nguyễn Văn Trỗi; lãnh đạo Thành ủy cũng chỉ đạo Sở Giao thông vận tải nghiên cứu phương án để tạo tĩnh không thông thủy cho các loại tàu thuyền, chủ yếu là tàu du lịch vào sâu trong sông Hàn tương ứng độ cao thông thủy của cầu Trần Thị Lý mới.
Sở Giao thông Vận tải đã mời các đơn vị Tư vấn Cầu đường tham gia nghiên cứu và trình bày phương án cải tạo cầu. Tháng 05/2012, Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Xây dựng ECC (BK-ECC), trụ sở chính tại Đà Nẵng với đa số Lãnh đạo và Kỹ sư là cựu sinh viên Đại học Bách khoa, ĐH Đà Nẵng, đã trình bày báo cáo đề xuất tại UBND Thành phố Đà Nẵng và được phê duyệt để triển khai bước tiếp theo.
Để giải quyết vấn đề thông thuyền phục vụ tuyến du lịch đường sông trong tương lai, phương án đề xuất là dùng kích để nâng một nhịp cầu nhằm bảo đảm tĩnh không thông thuyền.
Sau khi phương án kỹ thuật được thông qua, đơn vị Tư vấn đã tiến hành công tác khảo sát và đo vẽ lại hiện trạng cầu cũ, tính toán lại trọng lượng nhịp cầu cần nâng và đề xuất thay thế toàn bộ vật liệu mặt cầu cũ bằng vật liệu nhẹ và gọn hơn, đảm bảo hiệu quả và an toàn khi dùng kích. Để đảm bảo độ an toàn khi kích lên cao, hai trụ tháp ở hai đầu nhịp thông thuyền với kết cấu khung, đã được thiết kế và lắp đặt.
Hệ thống lan can được lắp đặt có tính mỹ quan cao cho cầu bộ hành, kết hợp chiếu sáng mặt cầu. Kết cấu khung giàn thép được sơn màu vàng đặc trưng. Đồ án cũng đã đề xuất xem xét đặt phòng triển lãm thông tin thiết kế về các cây cầu bắc qua sông Hàn với diện tích sàn mái che hình lá thân thiện với môi trường, áp dụng công nghệ bền vững để lấy năng lượng mặt trời dùng cho việc thắp sáng, duy trì năng lượng cho các khu mua sắm.
Hệ thống điều khiển, nâng nhịp cầu Nguyễn Văn Trỗi được cải tạo và phát huy công năng hiệu quả
Hệ thống điều khiển, nâng nhịp cầu Nguyễn Văn Trỗi được thực hiện cải tạo vào năm 2015, với tên dự án “Cung cấp thiết bị, thi công lắp đặt và chuyển giao công nghệ hệ thống điều khiển và giám sát nhịp nâng cầu phục vụ thông thuyền tại cầu Nguyễn Văn Trỗi”. Ở nhịp nâng này, số kích nâng là 4, với tải trọng nâng 1 kích là 100 tấn, vận tốc nâng 0,233m/phút. Hành trình nâng với độ cao 3,6m. Chiều dài nhịp thông thuyền được nâng là 36,45m.
Trước và sau bão số 5 vừa qua, khi cầu Nguyễn Văn Trỗi được kích nâng nhịp thông thuyền tạo tĩnh không cho tàu đánh cá, tàu du lịch di chuyển vào trong sông Hàn để tránh bão, rất nhiều người sau khi xem những hình ảnh chụp cây cầu nâng nhịp này mới biết đến sự thú vị này. Vậy là ở Đà Nẵng, ngoài cầu quay Sông Hàn, thì còn có cầu nâng nhịp Nguyễn Văn Trỗi, là cầu duy nhất ở Việt Nam có công năng đặc biệt này.
Với hình ảnh và công năng của cầu Nguyễn Văn Trỗi hiện tại cho thấy sự đúng đắn khi giữ lại cây cầu là nhân chứng lịch sử ý nghĩa này. Đồng thời cũng chứng tỏ được năng lực và tính sáng tạo của những Kỹ sư Cầu đường Đà Nẵng trong việc tham gia đóng góp xây dựng quê hương. Hy vọng trong thời gian đến, các ý tưởng tiếp tục nâng cao giá trị khai thác của cây cầu và cả không gian hai đầu cầu sẽ được triển khai, đáp ứng được kỳ vọng của người dân Đà Nẵng và du khách gần xa.
Bài viết: KS Mai Triệu Quang - TGĐ Công ty Cổ phần Tư vấn và ĐTXD ECC ( BK-ECC);
Cựu SV Khoa Cầu đường, ĐH Bách Khoa, ĐH Đà Nẵng