Tin tức

Nhóm ‘’Dòng Sử’’ sinh viên Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách Khoa  giành giải Nhất cuộc thi thiết kế cảnh quan khu vực tượng đài mẹ Nhu

15/12/2023 20:35

        Cuộc thi "CẢI TẠO VÀ NÂNG CẤP CẢNH QUAN KHU VỰC TƯỢNG ĐÀI MẸ NHU - QUẬN THANH KHÊ, TP ĐÀ NẴNG" do thành phố Đà Nẵng tổ chức đã khép lại thành công tốt đẹp. Đây là sân chơi ý nghĩa dành cho các bạn sinh viên Kiến trúc, các chuyên ngành thiết kế và các doanh nghiệp, công ty Kiến trúc trên địa bàn thành phố, nhằm phát huy khả năng sáng tạo và góp phần làm đẹp cho thành phố tại khu vực tượng đài Mẹ Nhu.
        Trong cuộc thi lần này, nhóm sinh viên Đặng Lê Duy Vỹ, Mai Bá Nam, Trần Nguyễn Hạ Vy, Nguyễn Cửu Hoàng Lân, Lê Thị Mỹ Duyên đã may mắn và vinh dự giành được giải Nhất. “Nghiêm túc - đoàn kết - nổ lực, đó là phương châm đi đầu khi nhóm quyết định đồng hành cùng nhau để kết thúc là sự vỡ oà trong niềm vui và hạnh phúc. Đó là những trải nghiệm sâu sắc và là bài học quý giá mà nhóm chúng em đã có trong cuộc thi lần này.” Các bạn sinh viên hồ hởi chia sẻ.

        Về sản phẩm dự thi, nhóm đã quy hoạch và thiết kế với mong muốn đưa người sử dụng trở về với lịch sử để có thể hiểu rõ hơn về quá khứ hào hùng của Mẹ Nhu và 7 dũng sĩ Thanh Khê đã dũng cảm đứng lên chiến đấu, xả thân vì đất nước; đến những chiến công mà họ phải đánh đổi bằng xương máu để đem lại cho thế hệ sau đất nước hòa bình và ngày một phát triển như hôm nay. 


Hình 1: phối cảnh tổng thể quy hoạch và nâng cảnh quan khu vực tượng đài Mẹ Nhu. Nhóm đã thiết kế các khu mang ý nghĩa khác nhau, thể hiện cho quá trình lịch sử mà ta sẽ đi qua, cụ thể:


a.“Xả Thân” - khu vực góc phần tư màu đỏ Điện Biên Phủ giao với Huỳnh Ngọc Huệ ( trái). 

Hình 2: phối cảnh khu vực ‘’ Xả thân’’


Gam màu chủ đạo là màu xám-đỏ. Màu xám tượng trưng cho quá khứ bị chiến tranh vùi dập đầy đau thương. Đối lập với hình ảnh đó là dải lụa đỏ xuyên suốt mặt bằng dẫn lối cho người xem đi từ triển lãm tới khu vực tiếp theo- tượng trưng cho con đường máu cha ông ta đã mở ra, để đưa đất nước chạm tay tới hoà bình ngày nay


 b.“Chiến Công” - khu vực trung tâm - Tượng đài Mẹ Dũng sĩ Thanh Khê, căn hầm dưới lòng đất và 2 giải phân cách hình tam giác. 

Hình 3: phối cảnh khu vực ‘’ Chiến công’’


        Điểm đặc biệt của thiết kế này chính là căn hầm ngay dưới bức tượng đài Mẹ Nhu, tái hiện lại khu hầm năm xưa dưới nhà mẹ, bảo vệ cho cán bộ chiến sĩ, nay mỗi du khách sẽ như hóa thân vào trận chiến thảm khốc năm ấy. Từ miệng  hầm đi sâu vào lòng đất sẽ có cảm giác từ hồi hộp cho đến bất ngờ, thú vị bởi thiết kế thay đổi chiều cao trong hầm: Khi bước vào hầm, chiều cao của hầm thấp, cộng với ánh sáng yếu và các bức tượng của người lính được bố trí hai bên lối vào khiến ta có cảm giác chật hẹp, căng thẳng như bước vào căn hầm thời chiến tranh; sau quãng đường đó, ta sẽ đến được trung tâm của hầm, lúc này chiều cao hầm được tăng lên và ánh sáng tốt khiến mọi người cảm thấy thoải mái hơn. 
        Tại đây, bảo tàng về cuộc chiến với 7 bức phù điêu độc đáo được bố trí quanh căn hầm để phục vụ du khách tham quan, sử dụng chất liệu giả thép gỉ tượng trưng cho vỏ bom, mìn. 
        Cột tượng được điêu khắc cách chữ kết hợp chiếu sáng với nhạc phổ Lòng Mẹ của cố nhạc sĩ Y Văn, tạo chất cảm cho người xem. 

Hình 4: căn hầm ngay phía dưới khu vực tượng đài Mẹ Nhu

 
Hình 5: 1 trong 7 bức phù điêu quanh khu vực tượng đài Mẹ Nhu

c.“Hòa Bình” - khu vực góc phần tư màu xanh Điện Biên Phủ giao với Huỳnh Ngọc Huệ( phải). 
Hình 6: phối cảnh khu vực ‘’Hòa bình’’


      Sau khi trải qua quãng thời gian quá khứ cùng khu vực XẢ THÂN và CHIẾN CÔNG, ta sẽ tiến đến hiện tại với khu HÒA BÌNH. Tại đây sẽ mang lại hình ảnh tươi mới. Với view nhìn thoáng, hướng thẳng về tượng mẹ, kết hợp gam màu xanh dương- màu của tự do- hy vọng, khát khao hội nhập quốc tế, phát triển quê hương.

        Khu vực màu xanh – điểm kết thúc của đường hầm – được thiết kế là nơi nghỉ ngơi, thư giãn cho người dân, đồng thời cũng là địa điểm checkin cho người tham quan, mang lại cảm giác tươi mới sau khi đi qua những khu vực mang đậm tính lịch sử. 


Hình 7: chiếu sáng quanh khu vực tượng đài Mẹ Nhu


        Tại phần vòng xuyến giữa công trình, nhóm vẫn giữ nguyên tượng đài Mẹ Dũng sĩ Thanh Khê - hình ảnh rất đổi quen thuộc của người dân quận Thanh Khê nói riêng và Đà Nẵng nói chung. Tượng đài vẫn đứng đó sừng sững vừa uy nghi, oai hùng, những vẫn gởi gắm tình cảm của người mẹ Việt Nam anh hùng đã luôn ôm ấp dáng hình người lính qua bao thế hệ. Thay vào đó cảnh vật xung quanh sẽ được khoác lên mình bộ áo mới. Mặt bằng vòng xuyến được lấy ý tưởng từ hình ảnh hoa sen, cụ thể là 7 cánh hoa sen tượng trưng cho hình ảnh 7 chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu cùng mẹ. Hoa sen sinh trưởng trong bùn lầy nhưng lại không bị nhiễm bởi bùn dơ, sen mọc ở đâu thì nước ở đó đều được thanh lọc. Tượng đài Mẹ Nhu được đặt trên đài hoa, hình ảnh mẹ lúc này càng được trang trọng, thanh cao hơn.
        Những ý tưởng trang trí của nhóm sinh viên đã thể hiện được tinh thần của những người anh hùng dũng cảm đứng lên đấu tranh vì độc lập – tự do của đất nước. Đây là những công trình mang đậm dấu ấn lịch sử thành phố Đà Nẵng nói riêng hay Việt Nam nói chung, góp phần làm đẹp cho thành phố và quảng bá hình ảnh Đà Nẵng đến với du khách trong và ngoài nước. Với kết quả vượt ngoài mong đợi, nhóm sinh viên đã hâm nóng lại tình yêu về lịch sử của mảnh đất hình chữ S, cũng như đóng góp một phần công sức để tô điểm cho thành phố Đà Nẵng quê hương. 

        Được biết ngoài giải nhất này, các bạn Sinh viên Khoa Kiến trúc trường ĐH Bách khoa - Đại học Đà Nẵng còn giành thêm 1 giải Ba (nhóm Hồ Nghiêm thúy Quỳnh, Phùng Tiên Tỉnh, Nguyễn Đình Tuấn), 02 giải khuyến khích (của nhóm sinh viên Nguyễn Thành Tấn, Nguyễn Ngọc Hiếu, Huỳnh Ngọc Hiếu) và của KTS - cựu SV của Khoa Kiến trúc - Mai Nguyễn Thu Hà. BTC cuộc thi cũng trao một giải Nhì, 1 giải Ba cho các doanh nghiệp tư vấn thiết kế có tham gia thi; và một số giải khuyến khích khác cho các trường bạn.

Bài và ảnh: Khoa Kiến trúc