Tin tức

10 bí quyết giúp Kiến trúc sư trẻ thành công

22/04/2019 15:30

Dựa vào những kinh nghiệm trong 9 năm hành nghề kiến trúc đầy thách thức của mình, KTS Stephen Ramos đã chia sẻ “10 bí quyết giúp Kiến trúc sư trẻ thành công” nhằm giúp các KTS trẻ “chinh phục thế giới”.

 

Với những sinh viên kiến trúc mới ra trường hay các kiến trúc sư trẻ khi mới bước chân vào một văn phòng kiến trúc và phát triển sự nghiệp là một thử thách rất khó khăn. Cá nhân tôi đã có 9 năm hành nghề và 5 năm có chứng chỉ, và tôi biết rằng, mỗi bước đi là mỗi thách thức. Khi tôi nhìn lại những thất bại và thành công trong sự nghiệp của mình, tôi đã nhận ra những điểm nhất quán.

Sau khi lắng nghe KTS Frank Harmon chia sẻ “7 bài học thành công cho Kiến trúc sư trẻ”, tôi cũng muốn chia sẻ với cá bạn 10 bí quyết dựa trên kinh nghiệm của bản thân. Hy vọng rằng những “bí quyết” được đếm ngược từ 10 đến 1 này có thể giúp cho các KTS trẻ hoàn thiện bản thân và “chinh phục thế giới”.

10. Hãy trở thành một người không thể thay thế.

Bạn muốn được đồng nghiệp tôn trọng?

Bạn muốn nâng cao giá trị bản thân trong mắt công ty?

Bạn muốn được thăng tiến?

Nếu vậy, bạn phải nhanh chóng biến bản thân thành một nhân vật quan trọng. Hãy tìm một lĩnh vực mà bạn yêu thích và trở thành người xuất sắc nhất của lĩnh vực đó. Một đồng nghiệp của tôi, Sarah Corbitt, rất quan tâm đến thiết kế bền vững. Sarah đã đắm mình vào bất cứ công việc gì liên quan đến thiết kế bền vững, thường xuyên tham gia những buổi hội thảo và tổ chức những cuộc thảo luận nội bộ tại công ty LS3P mà chúng tôi đang làm việc đây. Sau một thời gian, với khả năng chuyên môn và sự nhiệt tình trong công việc, cô ấy đã trở thành một thành viên không thể thiếu trong công ty chúng tôi.

9. Hãy tìm người hướng dẫn

Đồng nghiệp kiến trúc của bạn chính là nguồn tài nguyên vô giá. Hãy tìm những KTS có kỹ năng và vị thế mà bạn ngưỡng mộ để họ hướng dẫn bạn. Họ sẽ giúp bạn phát triển và có thể hỗ trợ để bạn tiến xa hơn trong sự nghiệp của mình. Bạn có thể mời họ một tách cà phê để nhờ họ đưa lời khuyên và chia sẻ kiến thức nghề nghiệp. Hoặc tốt hơn là mời họ đi uống bia và bạn sẽ nhận được thành quả bất ngờ!

8. Hãy chia sẻ kiến thức

Bạn hãy nhớ rằng, hướng dẫn và trao đổi kiến thức luôn là một con đường hai chiều. Nếu bạn có tài Photoshop, hãy chia sẻ bí quyết với văn phòng và đồng nghiệp. Hay bạn là một người am hiểu về thiết kế bền vững như Sarah? Vậy thì hãy tổ chức một buổi thảo luận về Hệ thống đánh giá năng lượng và thiết kế thân thiện với môi trường của Hội đồng công trình xanh Hoa Kỳ (LEED). Bạn nên đặt mục tiêu là chia sẻ kiến thức của mình càng nhiều càng tốt. Như thế, bạn sẽ nâng cao được uy tín của mình trong văn phòng, được chú trọng như một người có khả năng làm việc theo nhóm và có tố chất lãnh đạo.

7. Hãy tạo nên mạng lưới cho riêng mình

Kiến trúc là một ngành công nghiệp dịch vụ, dịch vụ do bạn cung cấp tốt hay không phụ thuốc vào mạng lưới quan hệ của bạn mạnh hay yếu. Một mạng lưới tốt sẽ giúp công việc của bạn suôn sẻ hơn và mở ra vô số cơ hội. Đừng phá bỏ những mối quan hệ xung quanh.

6. Hãy nắm bắt mọi cơ hội

Khi bắt đầu sự nghiệp, tôi đã rất háo hức thể hiện khả năng thiết kế của mình với mọi người. Tuy nhiên, giống như mọi thực tập sinh khác, tôi không được giao nhiều những dự án hấp dẫn cho lắm. Tôi đã phải đánh đổi rất nhiều mới có được vị trí mình mơ ước.

Thế nên, tôi đã vạch ra một chiến thuật. Dù nhận được công việc nào, tôi cũng làm rất nghiêm túc. Tôi thường dành thêm thời gian sau giờ làm để chau chuốt kỹ lưỡng hơn cho thiết kế của mình. Thế là sáng hôm sau, tôi có rất nhiều phương án thiết kế phù hợp để đề xuất. Cũng không mất quá lâu để cấp trên nhận ra tôi đam mê thiết kế và có tài năng thế nào. Tôi đã giành lấy cơ hội. Và giờ tôi đã được giao cho dẫn dắt nhiều dự án quan trọng.

5. Hãy mạnh dạn yêu cầu

Tôi có một lời thú nhận đáng xấu hổ: Chưa bao giờ tôi được tăng lương nếu không tự yêu cầu. Ngay cả khi tôi có được chứng chỉ hành nghề kiến trúc, cho đến bây giờ, tôi vẫn luôn phải đề nghị để được tăng lương.

Tuy nhiên, sau khi đề nghị, yêu cầu của tôi đã được đáp ứng. Điều này không chỉ áp dụng với vấn đề tăng lương, mà nó áp dụng vào mọi điều trong cuộc sống.

Nếu bạn muốn nhận được nhiều hơn những yêu cầu thiết kế? Đừng ngần ngại đề nghị.

Nếu muốn có thêm kinh nghiệm xây dựng thực tiễn? Hãy mạnh dạn yêu cầu.

Bạn sẽ ngạc nhiên với kết quá đấy. Mà hỏi thì mất gì đâu nào.

4. Hãy ra khỏi vùng an toàn của bản thân

Một vài năm về trước, tôi quyết định tham gia lớp học hài kịch để cải thiện kỹ năng của bản thân. Tôi ngẫu hứng quyết định thế sau khi xem màn trình diễn của bạn mình. Việc bước lên sân khấu, diễn những hoạt cảnh và múa may như một kẻ mất trí đã tạo nên bước đột phá cho sự nghiệp kiến trúc của tôi. Những lớp học này giúp tôi cải thiện khả năng diễn thuyết, giúp tôi tư duy nhanh hơn và làm chủ tốt hơn cảm xúc của mình.

Nếu tôi không tham gia lớp học đó, không bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, chắc chắn tôi sẽ không được như vậy.

Vì vậy, hãy thử tự bước ra khỏi vùng an toàn của bạn!

3. Hãy lên tiếng

Diễn thuyết trước đám đông là một kĩ năng quan trọng đối với kiến trúc sư. Tôi không có một bí quyết nào cả, chỉ vài lời khuyên cơ bản thôi. Nếu bạn có một cuộc họp quan trọng, hãy tập dượt trước. Sau khi thuyết trình, hãy hỏi để nghe nhận xét, đánh giá từ bạn bè, đồng nghiệp. Quan trọng hơn là hãy tránh “lối nói kiến trúc” vì khách hàng sẽ không vui vẻ mấy nếu bạn kết hợp quá nhiều những từ ngữ nặng tính chuyên môn như mặt cắt hay khớp nối.

2. Hãy nhận ra bản thân mình thật may mắn

Có một lần đi Uber, tài xế hỏi tôi thế này: Liệu tôi có thiết kế một công trình nào mà anh ta biết không? Tôi đáp lại: “Anh đã thấy phần mở rộng của bảo tàng Guggenheim chưa?” Anh ta cười lớn và nói với tôi rằng anh ta đã hi vọng rằng tôi sẽ trả lời như vậy. Nếu bạn không hiểu tại sao tôi lại trả lời như thế  đó là một câu thoại nổi tiếng của nhân vật George Costanza trong bộ phim hài Seinfeld khi George đã nói dối rằng anh ta là một KTS để gây ấn tượng với mọi người.

Khi bạn là một kiến trúc sư và bạn kể với mọi người những gì bạn làm, bạn thường sẽ nhận được những phản ứng như “Ngầu nhỉ”, hoặc lời tâm sự: “Hồi nhỏ tôi cũng muốn trở thành kiến trúc sư nhưng tôi lại không giỏi toán và vẽ”.

Vì thế, tôi cảm thấy thật sự may mắn khi làm nghề mà mình đam mê và được tôn trọng. 

1. Hãy biết chấp nhận thất bại

Một lời thú nhận cuối cùng, trong suốt sự nghiệp của mình, tôi đã từng thất bại tất cả với tất cả những lời khuyên trên. Thật ra, tôi vẫn luôn phải đấu tranh với mỗi điều này hàng tuần. Bí quyết ở đây là bạn phải học hỏi học hỏi từ những thử thách và thừa nhận những thất bại như một bước quan trọng cho sự phát triển bản thân bạn.

Theo kienviet.net