Tin tức

Đổi mới quản trị đại học: Hướng tới mô hình định hướng doanh nghiệp

24/02/2019 23:07


Một sản phẩm nghiên cứu khoa học của SV Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng tham dự Triển lãm công nghệ BKDN-TECHSHOW 2018

Tự chủ là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo. Với Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học vừa được thông qua đã giúp hoàn chỉnh khung pháp lý cho việc đổi mới công tác quản trị các cơ sở giáo dục đại học. 

Tự chủ và trách nhiệm giải trình

Trước khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thí điểm tự chủ ĐH vào tháng 12/2017, nguồn thu của Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) không chỉ là học phí mà còn từ các hoạt động NCKH, chuyển giao công nghệ; đào tạo, tư vấn cho các doanh nghiệp bên ngoài và hợp tác quốc tế.

PGS.TS Trần Đình Khôi Nguyên – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Chủ trương của Chính phủ khi giao quyền tự chủ là đòi hỏi các cơ sở GDĐH phải chủ động liên kết với bên ngoài để chuyển giao các kiến thức khoa học vào đời sống thực tiễn. Cơ sở để Chính phủ giao quyền tự chủ luôn xem xét đến khả năng đa dạng hóa nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học, chứ không chỉ đơn thuần là từ học phí. Đây cũng chính là kinh nghiệm tự chủ của các trường ĐH trên thế giới. Do vậy, khi chuyển sang tự chủ ĐH, nhà trường luôn xem hợp tác quốc tế và NCKH là một hướng chủ đạo để tăng cường năng lực tài chính của mình”.

Ngoài Trường ĐH Kinh tế đang thí điểm áp dụng tự chủ ĐH, trong khi chờ Nghị định về tự chủ của Chính phủ và Luật Giáo dục đại học sửa đổi, ĐH Đà Nẵng đã triển khai mạnh mẽ tự chủ giữa ĐH Đà Nẵng với các cơ sở giáo dục thành viên. Như Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã trao thêm quyền tự chủ cho các khoa theo hướng chủ động tuyển sinh cao học, chủ động bố trí giờ giảng của giảng viên theo yêu cầu của nhà trường.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc ĐH Đà Nẵng, cùng với triển khai tự chủ ĐH, với mô hình ĐH vùng, ĐH Đà Nẵng sẽ áp dụng các phương thức quản trị ĐH tiên tiến từ kinh nghiệm và mô hình các ĐH lớn (đa lĩnh vực, có học hiệu và vị thứ xếp hạng trong top đầu thế giới) để ban hành chiến lược, đề án phát triển tổng thể ĐH vùng và các cơ sở GDĐH thành viên.


Ảnh minh họa

Đưa tư duy doanh nghiệp vào quản trị đại học

PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa cho biết: Năm học này, lần đầu tiên, nhà trường tổ chức đào tạo cán bộ quản lý. Cùng với việc sắp xếp lại các phòng chức năng, Trường ĐH Bách khoa còn thành lập tổ Công nghệ thông tin trực thuộc Ban giám hiệu để đẩy mạnh công tác quản lý bằng ứng dụng CNTT, triển khai mô hình một cửa phục vụ SV…

Theo GS.TS Trần Văn Nam – nguyên Giám đốc ĐH Đà Nẵng, để quản trị hiệu quả và nâng cao tính tự chủ, các cơ sở GDĐH nên tổ chức, quản lý như một công ty, với các cơ chế hoạt động và giám sát hiệu quả. Đây cũng là mô hình của các trường ĐH áp dụng phương thức quản trị tiên tiến. Trường ĐH theo mô hình doanh nghiệp không theo đuổi mục tiêu kinh tế mà tích hợp với phát triển tri thức khoa học, hướng tới tạo ra một giá trị cộng hưởng thiết thực và hiệu quả hơn. Tăng nguồn thu thông qua NCKH và chuyển giao công nghệ đang là con đường mà các trường ĐH thực hiện tự chủ hướng tới, vừa là cách để nhà trường tự chủ kinh tế nhưng đồng thời cũng là đòn bẩy để nâng cao chất lượng đào tạo.

TS Phạm Thị Lan Phượng – Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng: Cơ chế hình thành chính sách và ra quyết định ở các trường ĐH Việt Nam hiện nay ít nhấn mạnh thẩm quyền của đội ngũ cán bộ học thuật mà dành một quyền lực cao cho các bộ phận quản lý điều hành và phục vụ. Để tăng cường tiếng nói của cán bộ học thuật và thúc đẩy sáng kiến đổi mới, có thể thiết lập cơ chế đàm phán và thỏa thuận theo hạng mục công việc giữa lãnh đạo cấp trường với khoa, nhóm chuyên môn.

Áp dụng hình thức điều phối theo thỏa thuận thay cho điều khiển của cấp trên đối với cấp dưới đòi hỏi một sự thay đổi văn hóa tổ chức và tầm nhìn của người lãnh đạo. Như với Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng, với cơ chế phân quyền trong quản lý, các khoa/bộ môn được quyền chủ động mời các doanh nghiệp, tổ chức tuyển dụng liên quan đến từng chuyên ngành đào tạo về từng khoa, bộ môn để cung cấp những thông tin liên quan đến chuyên môn đào tạo như cập nhật xu hướng, công nghệ mới, thông tin về cơ hội việc làm… Cách làm này có thể giúp khai thác hết thế mạnh của từng cá nhân, tổ chức trong các bộ phận của nhà trường hơn là chỉ tập trung ở một bộ phận phục vụ SV hoặc ban giám hiệu.

GDĐH Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa cùng với những tiến bộ của khoa học công nghệ cũng như sự cạnh tranh do nỗ lực vận dụng cơ chế thị trường. Cải thiện chất lượng quản trị đại học theo hướng tiên tiến, hiện đại đang được kỳ vọng là đòn bẩy quan trọng để cải thiện chất lượng trong mọi lĩnh vực của giáo dục đại học nếu các cơ sở giáo dục không muốn mất ưu thế ngay trên sân nhà.

Ánh Ngọc
giaoducthoidai.vn