Tin tức

Cập nhật và tích hợp thường xuyên yêu cầu của thực tiễn vào nội dung đào tạo nguồn nhân lực CNTT

26/05/2018 14:49

(ictdanang) – “Khoa chuyên ngành nói riêng, Nhà trường nói chung cần thường xuyên cập nhật và tích hợp những yêu cầu của thực tiễn vào nội dung đào tạo. Điều đó sẽ giúp nguồn nhân lực hội nhập nhanh với yêu cầu của công việc, với đặc thù của ngành nghề” – TS Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng gửi gắm.

Sáng nay 24/5, đã diễn ra hội thảo “Quan hệ Nhà trường và Doanh nghiệp Công nghệ thông tin năm 2018” - sự kiện thường niên do Khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) tổ chức.

Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác giữa Lãnh đạo Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) với 17 doanh nghiệp công nghệ thông tin. Trong ảnh: Ông Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng; ông Phạm Kim Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Đà Nẵng, và đại diện Khoa, Trường, Doanh nghiệp chứng kiến nghi thức ký kết.

“Chúng tôi tâm niệm phải luôn luôn nuôi dưỡng và phát triển các mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp công nghệ thông tin với Khoa, với Nhà trường. Mỗi phiên hội thảo, chúng tôi lại có cơ hội lắng nghe đây đủ ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp chuyên ngành.

Các ý kiến thẳng thắn trao đổi, thảo luận về định hướng phát triển của chính doanh nghiệp rất quý giá. Bởi qua đó, giúp chúng tôi nhìn lại nội dung, phương pháp nâng cao chất lượng đào tạo.

Những điều chỉnh, bổ sung, đổi mới từ phía Khoa và Nhà trường nhiều năm qua đều hướng đến hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần cho sự thành công trước hết của doanh nghiệp và sau đó là sự phát triển của nền kinh tế, tham gia vào an sinh xã hội” – Phó GS.TS Nguyễn Thanh Bình, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ thông tin trường cho biết.

Đóng góp ý kiến cho diễn đàn chung của Nhà trường – Doanh nghiệp Công nghệ thông tin, TS Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng đề nghị: Khoa chuyên ngành nói riêng, Nhà trường nói chung cần thường xuyên cập nhật và tích hợp những yêu cầu của thực tiễn vào nội dung đào tạo.


Cập nhật và tích hợp thường xuyên yêu cầu của thực tiễn vào nội dung đào tạo

Theo TS Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, một trong những nội dung cần nhanh chóng được cập nhật là yêu cầu, là tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc trong thiết kế một hệ thống thông tin. Thực tế vừa qua, đã có sản phẩm của các kỹ sư mắc phải khá nhiều lỗi. Để có thể sử dụng, hệ thống thông tin đó phải được hiệu chỉnh, bổ sung khá nhiều. Có thể nói sản phẩm đó chưa đạt và không đạt so với yêu cầu. 

Tương tự, một số sản phẩm phần mềm cũng mắc các lỗi do chưa nắm vững tiêu chuẩn kỹ thuật. Nhất là tiêu chuẩn mới, yêu cầu mới có tính bắt buộc. Bên cạnh đó, người học cũng cần nắm các chính sách, chủ trương, quyết định mới liên quan đến ứng dụng, phát triển công nghiệp công nghệ thông tin để định hình và có sự chuẩn bị sớm rất cần thiết đối với nghề nghiệp tương lai.
  
Trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những sản phẩm công nghiệp phục vụ cho đời sống, ngày càng đòi hỏi cao cả về thẩm mỹ kiểu dáng lẫn sự tiện dụng và nhất là tính tự động hóa.

“Rất cần có sự hội tụ giữa nhiều chuyên ngành đào tạo để người kỹ sư trong tương lai có thể giải quyết tốt yêu cầu của công việc. Nói cách khác phải đưa “nhịp thở của thực tiễn” vào giảng đường. Từ kiến thức truyền đạt, đến dự án được giao cho các em khi còn ngồi trên ghế Nhà trường, phải là sự tích hợp các ngành như cơ khí chính xác – điện, điện tử - công nghệ thông tin và tự động hóa” – TS Nguyễn Quang Thanh phân tích.

Đào tạo phải chuyển mình theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Theo Phó GS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) không thể chần chừ nữa, mà đã đến lúc, Nhà trường phải quyết liệt chuyển mình để bảo đảm cung ứng nguồn nhân lực cho tương lai theo xu thế những đòi hỏi mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra.

"Nguồn nhân lực của ngày mai phải là những kỹ sư có khả năng phản biện, tư duy sáng tạo và sẵn sàng thích nghi với các yếu tố công nghệ, đổi mới công nghệ" - Phó GS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng).


Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) nhận thức được điều đó và đang đẩy mạnh đồng hành cùng doanh nghiệp để thay đổi căn bản nội dung phương pháp đào tạo.

Thời lượng học lý thuyết của sinh viên sẽ chỉ còn một nửa thời gian trong tổng thời gian đào tạo. Một nửa thời gian còn lại các em sẽ học qua dự án được giao. Các em sẽ phải tự học, tự đọc, tự nghiên cứu để giải quyết vấn đề, hoàn thành dự án được giao. Đây chính là giai đoạn các em rất cần sự hỗ trợ từ doanh nghiệp.

 Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) mong muốn hợp tác sâu rộng với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin nói riêng và doanh nghiệp đa ngành nói chung theo 3 giai đoạn trước – trong và sau quá trình đào tạo. Ở giai đoạn trước, chúng tôi mời đại diện doanh nghiệp tham gia cùng chúng tôi ngay từ khâu thiết kế, lên kế hoạch, nội dung  đào tạo. 

Giai đoạn trong quá trình đào tạo, đại diện doanh nghiệp tham gia “ra đề - giao dự án” và cho sinh viên đến thực hành, thực tập, học hỏi kỹ năng để các em hoàn tất dự án. Và cuối cùng, khi các em tốt nghiệp thì đánh giá, nhận xét và tạo mọi cơ hội để các em tham gia vào quy trình sản xuất của doanh nghiệp. Nói cho đúng nghĩa, doanh nghiệp không chỉ đồng hành, mà doanh nghiệp sẽ hòa quyện cùng Nhà trường để chuẩn bị cho nguồn nhân lực chất lượng cao.
 

 Công nghệ thông tin vẫn là ngành “dễ có việc làm, thu nhập ổn định”    

Theo Phó GS.TS Nguyễn Thanh Bình – Chủ nhiệm Khoa (ảnh trên) – một khảo sát mới đây (của Khoa Công nghệ thông tin Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng) cho thấy: 100% sinh viên của Khoa sau khi ra Trường là có việc làm, trong đó có 87% cho biết thời gian có việc làm là dưới 3 tháng (kể từ lúc tốt nghiệp). 

Phần lớn các kỹ sư đều tìm được việc làm và hiện làm việc cho các doanh nghiệp phần mềm có vốn FDI hay doanh nghiệp tư nhân. Một số ít, làm việc ở các tổ chức, cơ quan chính quyền hay đơn vị sự nghiệp công lập.

Về thu nhập, mức bình quân phổ biến (hơn 50% số người trả lời khảo sát cho biết) ở mức 8 đến 10 triệu đồng/tháng, và có 17-18% đạt mức thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng.

Về thời gian đào tạo thêm hay bồi dưỡng các kỹ năng, đa số phiếu trả lời cho biết nếu đơn vị sử dụng lao động có yêu cầu thì thường là 3 tháng, sau đó bắt tay vào làm việc.

Phó GS.TS Nguyễn Thanh Bình cũng đã giới thiệu đến cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp công nghệ thông tin Đà Nẵng chương trình đào tạo “Kỹ sư công nghệ thông tin chất lượng cao hợp tác với doanh nghiệp” sẽ bắt đầu từ tháng 9/2018 đến.


Hợp tác vì nguồn lực 4.0 ngày mai

Trong khuôn khổ hội thảo “Quan hệ Nhà trường và Doanh nghiệp Công nghệ thông tin năm 2018”, đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác giữa Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) với …. Doanh nghiệp gồm: FPT Software; Axon Active; LogiGear; GameLoft; Công Ty Tài Nguyên Công Nghệ Việt Nam Enclave; Công ty MGM; Công ty Code Engine Studio; Toàn Cầu Xanh; Rikkei Soft; Magrabbit; Công ty Neo Lab; BAP; DAC; DTT; Công ty CodeComplete Vietnam; Công ty TNHH Công Nghệ và Giải pháp OMEGA; Công ty Global Cyber Soft – Chi nhánh Đà Nẵng,... 

Theo đó, về phía Nhà trường sẽ chủ trì xây dựng chương trình đào tạo, kế hoạch đào tạo, quản lý kết quả đào tạo; tổ chức quảng bá chương trình đào tạo và tuyển sinh hàng năm; cấp bằng cho sinh viên tốt nghiệp. Xây dựng nội dung và kế hoạch triển khai các học phần; cùng với đại diện Doanh nghiệp triển khai đào tạo và giám sát công tác đào tạo.

Tạo điều kiện cho các chuyên gia của Doanh nghiệp giảng dạy và tổ chức các hoạt động cho sinh viên. Phối hợp và hỗ trợ chuyên gia Doanh nghiệp trong việc đánh giá học tập của sinh viên. Thanh toán giảng dạy cho chuyên gia của Doanh nghiệp theo quy chế chi tiêu nội bộ của Nhà trường.
 

Nghi thức ký kết hợp tác giữa lãnh đạo cấp cao Acxon Active và Hiệu trưởng Nhà trường.


Trong khi đó, trách nhiệm của doanh nghiệp bao gồm: Phối hợp với Nhà trường xây dựng chương trình đào tạo, kế hoạch đào tạo, đề cương chi tiết học phần. Thảo luận và thống nhất với Nhà trường về danh sách học phần, về chuyên gia có kinh nghiệm có thể tham gia giảng dạy. Trước mỗi học kỳ, trao đổi và thống nhất với Nhà trường về kế hoạch giảng dạy các học phần đã dự kiến (chuyên gia, học phần, cơ sở vật chất, nơi triển khai). Từ thực tế giảng dạy có đánh giá, trao đổi thảo luận với Trường để có những cải tiến, sửa đổi (nếu cần thiết). 

Doanh nghiệp công nghiệp công nghệ thông tin tham gia hợp tác cũng sẽ hỗ trợ cơ sở vật chất, tài nguyên phục vụ đào tạo cho Nhà trường. Tiếp nhận các sinh viên của Trường về học tập và thực tập tại công ty. Ưu tiên xét tuyển khi sinh viên tốt nghiệp của Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) đạt các yêu cầu tuyển dụng.

“Căn cứ theo thỏa thuận chung đã ký, chúng tôi duy trì trao đổi trực tiếp và sẽ thường xuyên bàn bạc phối hợp trong từng nội dung cụ thể. Mục tiêu bao trùm vẫn là tăng chất lượng và số lượng kỹ sư lĩnh vực công nghệ thông tin tốt nghiệp trình độ đại học.

Và nguồn nhân lực được đào tạo bài bản theo một mô hình mới, sẽ đóng góp vào nguồn nhân lực công nghệ thông tin nói chung, đặc biệt, đáp ứng tốt nhất nhu cầu nhân lực cho phát triển sự nghiệp của chính doanh nghiệp” – Phó GS.TS Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh thêm.

http://www.ictdanang.vn/chi-tiet?articleId=35909

T.Ngọc