Hành trình từ chàng sinh viên khoa FAST, Trường Đại học Bách khoa trở thành Thạc sĩ chuyên ngành Thiết kế mạch tích hợp tương tự
04/09/2024 10:04
Với nền tảng 05 năm theo học Chương trình tiên tiến Việt - Mỹ, ngành Điện tử - Viễn thông, Khoa Khoa học công nghệ tiên tiến (FAST), Trường Đại học Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN), cựu sinh viên (CSV) Giao Hữu Thức (khóa 2014) đã có những bước đi thành công trên con đường học tập và làm việc, trở thành Thạc sĩ chuyên ngành Thiết kế mạch tích hợp tương tự (Master of Analog IC design) của Trường Đại học Quốc lập Đài Loan (Trung Quốc) (NTU).
Năm 2014, sinh viên Giao Hữu Thức gia nhập vào mái nhà chung Khoa FAST, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN. Trong 05 năm học tập tại Trường, Hữu Thức đã được trau dồi nhiều kiến thức và kỹ năng thông qua những bài giảng hoàn toàn bằng tiếng Anh. Các môn học được thiết kế dựa trên chương trình đào tạo hiện đại của các trường đối tác đến từ Hoa Kỳ như môn Thiết bị và Mạch điện tử I & II, Thiết kế mạch tích hợp kỹ thuật số. Những kiến thức này được truyền thụ bởi những thầy cô rất tâm huyết ở Khoa đã tạo nền tảng vững chắc cho anh ấy trên con đường chinh phục tri thức trong lĩnh vực Chất bán dẫn và Thiết kế vi mạch tích hợp cực “hot” hiện nay.
Hữu Thức cho biết, bên cạnh các bài giảng lý thuyết, chương trình đào tạo của Khoa FAST rất chú trọng đến những giờ thực hành mô phỏng và thực hành thí nghiệm để kiểm chứng các kết quả lý thuyết, một môi trường học tập khoa học đã hun đúc sự đam mê công nghệ bán dẫn trong anh. Điều này đã giúp Hữu Thức chinh phục được các nấc thang tri thức mới trên con đường làm việc và học tập trở về sau.
Ảnh: CSV Giao Hữu Thức trong thời gian học tập tại trường Đại học Quốc lập Đài Loan (NTU)
Hữu Thức chia sẻ, năm 2019, sau khi tốt nghiệp tại Khoa FAST, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN, anh làm công việc kỹ sư tại phòng nghiên cứu và phát triển FPGA của Tập đoàn Hitachi Vantara có trụ sở đặt tại Đà Nẵng, Việt Nam. Tại môi trường này anh đã áp dụng những kiến thức đã học được tại Trường để tập trung vào việc cải thiện và tối ưu hóa các thuật toán nhận dạng hình ảnh và tự động hóa bằng FPGA.
Đến năm 2020, anh nhận được Học bổng sinh viên Quốc tế của Khoa Kỹ thuật Điện và Khoa học Máy tính (EECS), Đại học Quốc lập Đài Loan (Trung Quốc). Từ đó anh lại tiếp tục theo đuổi con đường học vấn của mình. Trong quá trình học Thạc sĩ, anh tham gia thực tập tại phòng công nghệ mới của Tập đoàn Điện tử Everlight, Đài Loan. Anh đã hoàn thành thành công việc Co-packaging của PWM và IC điều khiển cổng cho dự án bộ chuyển đổi dựa trên GaN.
Tháng 7 năm 2023, sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ Thiết kế mạch tích hợp tương tự tại Đại học Quốc lập Đài Loan, anh đầu quân cho Tập đoàn Điện tử Leadtrend, Đài Loan với vị trí kỹ sư thiết kế chip tương tự (Analog IC engineer), tập trung vào IC điều khiển cổng Monolithic GaN thông minh.
Hữu Thức cùng thầy và các bạn chụp hình lưu niệm trong thời gian học tập tại Khoa FAST, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN
Các mối quan tâm nghiên cứu hiện tại của Hữu Thức bao gồm bộ chuyển đổi DC-DC dựa trên Gallium-Nitride (GaN), IC điều khiển cổng GaN và IC quản lý nguồn. Năm 2023, anh đã có một bài báo được công bố tại Hội nghị và Triển lãm Điện tử Công suất ứng dụng IEEE - APEC (IEEE Applied Power Electronics Conference and Exposition - APEC), Orlando, Florida, Hoa Kỳ.
DOI: 10.1109/APEC43580.2023.10131397
Năm 2024, dựa trên kết quả nghiên cứu của luận văn Thạc sĩ và từ bài báo công bố tại Hội nghị IEEE-APEC, bài báo “An Integrated Driver with Dual-Edge Adaptive Dead-Time Control for GaN-Based Synchronous Buck Converter” của anh đã được chấp nhận đăng trên tạp chí Q1 uy tín của Hoa Kỳ: IEEE Transactions on Industry Applications; DOI: 10.1109/TIA.2024.3454198
Hữu Thức chụp hình tại Lễ tốt nghiệp đại học cùng thầy cô và các bạn
Hơn thế nữa, anh cũng đã hoàn thành nộp bản thảo cho Ủy ban Sáng chế Hoa Kỳ (US Patent Committee) cho một đề xuất mới về trình điều khiển cổng Monolithic GaN thông minh vào năm 2024.
Chia sẻ về những thành công bước đầu trên con đường sự nghiệp của mình, Hữu Thức bày tỏ sự biết ơn đến các thầy cô Khoa FAST cũng như Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN đã cung cấp cho anh những kiến thức nền tảng trong lĩnh vực bán dẫn và môi trường học tập tích cực ở bậc đại học. Đồng thời, anh cũng bày tỏ hy vọng các bạn sinh viên Khoa FAST nói riêng và Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN nói chung có thể tự tin trên con đường học tập ở lĩnh vực này. Anh cũng mong muốn sẽ có nhiều bạn sinh viên theo đuổi chuyên ngành chip bán dẫn sau đại học tại Đài Loan và trở về phát triển lĩnh vực này tại quê hương Việt Nam.
Biên tập bài: Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN