Tin tức

Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN đạt giải Ba toàn đoàn tại VietFuture Awards - Giải thưởng sáng tạo tương lai năm 2024

05/12/2024 07:26

Ngày 03/12/2024, trong khuôn khổ sự kiện Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á tại Hà Nội, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã tổ chức Lễ Vinh danh trao Giải thưởng Sáng tạo tương lai - VietFuture Awards năm 2024. Giải thưởng này nhằm tìm kiếm các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo xuất sắc của sinh viên trong 16 lĩnh vực, thuộc ba nhóm chính: ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; dự án theo đặt hàng từ doanh nghiệp (giải quyết các bài toán thực tế); dự án R&D của sinh viên và giảng viên.


Giảng viên và sinh viên Nhà trường nhận các giải thưởng tại Lễ Vinh danh trao Giải thưởng Sáng tạo tương lai - VietFuture Awards năm 2024

Vượt qua 180 đề cử từ 42 trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN đã khẳng định vị thế vượt trội của mình khi xuất sắc đạt 01 giải Nhất, 01 giải Nhì và đặc biệt là giải Ba toàn đoàn tại VietFuture Awards năm 2024.

Giải Nhất thuộc về nhóm sinh viên gồm: Phùng Hữu Gia Hưng - 21TDHCLC1; Phan Lê Văn Luyn - 21TDHCLC1; Nguyễn Trần Văn Vũ - 21TDHCLC1; Trương Ngọc Bình - 21TDHCLC1; Nguyễn Trung Tuấn - 21TDHCLC1 với Đề tài “Thiết bị IoT tích hợp LoRaWAN quản lý chất lượng điện năng theo thời gian thực cho nhà máy”. Đây là đề tài được trao giải thuộc lĩnh vực Công nghệ xanh và Tiết kiệm năng lượng.


Đề tài đạt giải Nhất: “Thiết bị IoT tích hợp LoRaWAN quản lý chất lượng điện năng theo thời gian thực cho nhà máy”

Đại diện nhóm sinh viên cho biết, đề tài xuất phát từ thực tế nhu cầu để thu thập dữ liệu từ xa trạm tụ bù hạ thế, phục vụ quản lý, vận hành các trạm điện năng, kịp thời phát hiện các vấn đề kỹ thuật và áp dụng từ quá trình SV được thực tập tại Điện lực Chư Pưh (tỉnh Gia Lai). Nhóm đã sáng tạo tích hợp ứng dụng công nghệ 4.0 tích hợp IoT với mạng không dây LoRaWAN phù hợp với điều kiện những nơi không có sóng 3G/4G để theo dõi quản lý hiệu quả chất lượng điện năng. Đề tài cung cấp giải pháp giám sát từ xa liên tục 24/7 theo thời gian thực các thông số chất lượng điện năng nhà máy, từ các dữ liệu bất thường giúp phát hiện kịp thời các hư hỏng vật lí của thiết bị đảm bảo chất lượng điện năng. Giải pháp giúp giảm từ 5-10% chi phí điện hàng tháng của nhà máy thông qua việc phát hiện sớm các sự cố và đảm bảo chất lượng điện năng.


Đề tài đạt giải Nhì: “Hệ thống hỗ trợ di chuyển dành cho người khiếm thị”

Giải Nhì thuộc về nhóm sinh viên gồm: Nguyễn Trần Đức Thịnh - 21SH2; Võ Quốc Đạt - 22TDH3; Phạm Duy Vũ - 22TDH3; Phan Thanh Khải - 22T_DT5; Nguyễn Thị Kim Oanh - 22TDH3 với Đề tài “Hệ thống hỗ trợ di chuyển dành cho người khiếm thị”. Đề tài tạo ra một hệ thống có thể nhận diện được môi trường xung quanh, tích hợp công nghệ chỉ đường đến địa điểm mong muốn và cảnh báo vật cản xuất hiện trên đường đi. Đảm bảo tính chính xác, an toàn và dễ sử dụng, giúp người khiếm thị tự tin hơn trong việc di chuyển.

Cả 02 đề tài đều được sự hướng dẫn, tư vấn chuyên môn của TS. Ngô Đình Thanh (Giảng viên chính, Khoa Điện, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN).

Theo đại diện Ban Tổ chức, chất lượng sản phẩm dự thi có tính ứng dụng tốt trong việc giải quyết vấn đề về môi trường và phát triển bền vững - phù hợp với xu hướng hiện nay. Đa số các dự án đều ứng dụng công nghệ, đặc biệt là AI trong giáo dục, du lịch, văn hoá nghệ thuật số, nông nghiệp...

Kết quả trên là minh chứng cho chất lượng đào tạo hàng đầu của nhà trường, cũng như tài năng và sự sáng tạo không ngừng của sinh viên trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khẳng định vai trò tiên phong của nhà trường trong việc đào tạo các thế hệ kỹ sư, nhà khoa học, góp phần xây dựng một tương lai bền vững và đầy triển vọng cho đất nước.

Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN