Tin tức

Đa dạng các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024

06/11/2024 15:20

Cách đây 78 năm, ngày 09 tháng 11 năm 1946 đã trở thành ngày đánh dấu mốc son trong lịch sử lập pháp của Việt Nam khi Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành bản Hiến pháp năm 1946 - đạo luật cơ bản đầu tiên, một “tài sản” đặc biệt của Nhà nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc sử dụng công cụ pháp luật, đặc biệt là Hiến pháp để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, góp phần vào công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thượng tôn pháp luật, góp phần nâng cao ý thức pháp lý cho toàn dân và xây dựng một nhà nước pháp quyền thực sự, ngày 09/11 hàng năm được chọn làm NgàyPháp luật Việt Nam và được chính thức ghi nhận theo Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012.

Chủ động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024, bảo đảm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được tổ chức triển khai bám sát các nội dung, yêu cầu đổi mới công tác PBGDPL của cấp trên, bám sát nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục, của Đại học Đà Nẵng, của Nhà trường, phát huy tính chủ động trong quá trình thực hiện; Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng (Trường ĐHBK)) đã ban hành Kế hoạch số 979/KH-ĐHBK ngày 15/3/2024  về PBGDPL năm 2024 của Trường ĐHBK với các mục đích cụ thể như sau:

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác PBGDPL theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW; Luật PBGDPL và văn bản hướng dẫn thi hành; các quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án PBGDPL.

- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý; đổi mới cách thức tổ chức thực hiện góp phần đưa công tác PBGDPL ngày càng chất lượng hơn.

- Đa dạng hóa các hình thức PBGDPL; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn kết chặt chẽ với hoạt động chuyển đối số; đổi mới công tác PBGDPL theo hướng thực chất và hiệu quả, lồng ghép với các hoạt động tại đơn vị trong năm 2024.


Khẩu hiệu tuyên truyền Ngày Pháp luật Việt Nam được treo trong khuôn viên Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN

Trường Đại học Bách khoa, Đà Nẵng đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú và ý nghĩa để nâng cao nhận thức và hiểu biết về pháp luật trong sinh viên và cán bộ giảng viên. Những hoạt động này không chỉ góp phần củng cố kiến thức pháp lý cơ bản mà còn tạo ra môi trường học đường lành mạnh, nơi mọi người đều hiểu và tôn trọng pháp luật. Qua đó, trường thể hiện cam kết của mình trong việc đào tạo những công dân có trách nhiệm và đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng thông qua các chương trình giảng dạy, hội thảo, và phong trào tìm hiểu pháp luật đầy bổ ích.

Nhà trường đã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo về đổi mới quản lý giáo dục đại học, các văn bản mới ban hành liên quan đến tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ của Nhà trường; văn bản liên quan đến quyền và nghĩa vụ của viên chức, nhà giáo, người lao động, người học. Phổ biến các văn bản, quy định liên quan đến công tác mở ngành, tuyển sinh, chuẩn chương trình đào tạo, quản lý hoạt động đào tạo, liên kết đào tạo; quản lý và sử dụng tài chính, tài sản; phòng chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện dân chủ ở cơ sở; an ninh mạng; phòng, chống tội phạm; công tác phòng, chống mua bán người; khiếu nại, tố cáo, tiếp cận thông tin; pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước,...

Bên cạnh đó, Nhà trường đã chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của sinh viên và đối mới việc học, thi, kiểm tra đánh giá môn học pháp luật đại cương; đa dạng hóa các hình thức phổ biến pháp luật ngoại khóa cho sinh viên; đổi mới và lựa chọn nội dung pháp luật phù hợp để phổ biến cho sinh viên trong "Tuần sinh hoạt công dân - sinh viên" đầu khóa, cuối khóa.


Phổ biến pháp luật cho sinh viên trong "Tuần sinh hoạt công dân - sinh viên" đầu khóa, cuối khóa

Nhằm tăng sự tiếp cận các kiến thức về pháp luật, Nhà trường đã tổ chức các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phương tiện điện tử, tin học phục vụ việc giảng dạy, học tập kiến thức pháp luật; rà soát, bổ sung các đầu sách pháp luật mới vào Tủ sách Pháp luật tại Trung tâm Học liệu và Truyền thông để phục vụ tốt nhất công tác PBGDPL đến viên chức, người lao động và người học.

Đồng thời, Nhà trường luôn chủ động tích cực triển khai đến toàn thể VC-NLĐ để góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm nội bộhiện hành.

Các thông tin, kiến thức về pháp luật được Nhà trường tuyên truyền thông qua nhiều kênh: trang thông tin điện tử (website), mạng xã hội; thông qua các hình thức tọa đàm giao lưu, đối thoại chính sách, pháp luật; lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao…


Hoạt động PBGDPL được lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao…

Việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng mang ý nghĩa quan trọng đối với cả VC-NLĐ và người học, góp phần xây dựng môi trường học tập và làm việc tuân thủ pháp luật, văn minh. Đối với VC-NLĐ, các hoạt động này giúp nâng cao kiến thức pháp luật, đặc biệt về các quy định trong giáo dục, từ đó hỗ trợ họ thực hiện công việc một cách chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Đồng thời, viên chức đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng văn hóa pháp luật, tạo gương mẫu tích cực để sinh viên noi theo. Đối với sinh viên, việc tham gia các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật giúp các em nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm công dân, trang bị thêm các kỹ năng sống và hiểu biết cần thiết trong cuộc sống hàng ngày. Những hiểu biết này không chỉ tạo nền tảng vững chắc cho việc học tập, nghiên cứu mà còn giúp sinh viên chuẩn bị tốt hơn cho hành trình nghề nghiệp tương lai, trở thành những công dân có trách nhiệm và đóng góp tích cực vào xã hội.

Bài viết: Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN