Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực IT, góc nhìn từ sự hội tụ và tan tỏa
25/04/2022 15:07
Cũng như nguồn nhân lực cho nhiều ngành, nghề; nhân lực công nghệ thông tin luôn cần kiến thức chuyên môn vững chắc, nắm bắt tiến bộ-ứng dụng mới. Đặc biệt là kinh nghiệm thực tế từ chính quy trình sản xuất hay cung ứng dịch vụ. Đòi hỏi này chỉ được đáp ứng thỏa mãn trọn vẹn, khi chính lãnh đạo doanh nghiệp hay chuyên gia đến từ các doanh nghiệp ngành, cùng tham gia sâu và chặt chẽ với khoa, trường trong đào tạo.
Hội tụ
Theo PGS.TS Nguyễn Tấn khôi, Trưởng khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, trong nhiều năm qua, nhằm gắn kết giữa đào tạo và thực tiễn, trong chương trình đào tạo ngành công nghệ thông tin, Khoa đã mời các chuyên gia doanh nghiệp có kinh nghiệm (đến từ các Công ty như FPT Software, Axon Active, Enclave, Sun Asterisk, Omega, DAC, KMS Technology, VNCERT, LogiGear,…), cùng tham gia giảng dạy một số môn, hoặc đồng chủ trì seminar chuyên đề công nghệ, truyền kinh nghiệm từ các dự án thực tiễn. Kể cả, đồng hướng dẫn các môn học Project Based Learning (học theo dự án – PBL), hay trực tiếp cùng hướng dẫn sinh viên làm đồ án tốt nghiệp.
Công nghệ phần mềm; Quy trình phát triển phần mềm theo phương pháp Agile; Lập trình Java; Kiểm thử phần mềm; An toàn thông tin mạng, … là những môn, chuyên đề chuyên ngành có sự tham của nhiều chuyên gia, hay lãnh đạo doanh nghiệp.
Khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng đã và đang tiếp tục triển khai một số mô hình gắn kết sâu hơn nữa, tạo điểm hội tụ có sức hút mạnh, để các doanh nghiệp cùng đến và làm việc ngay tại Khoa, chia sẻ công tác đào tạo của Khoa”.
Ban Chủ nhiệm khoa chụp ảnh lưu niệm với đại diện các doanh nghiệp tham gia phiên 1 IT Job fair (16/4/2022).
“Ở FPT Sofware, khi tuyển dụng, chúng tôi quan tâm hàng đầu đến kiến thức chuyên ngành. Yêu cầu là ứng cử viên cần phải vững – chắc cả chuyên môn lẫn thực hành theo chuyên ngành đã học. Và cũng lưu ý, không chỉ biết ngoại ngữ, ứng viên phải sử dụng thạo một ngoại ngữ. Đây sẽ là một điểm cộng tuyệt vời.
Bộ phận nhân sự chúng tôi cũng rất “để ý” đến thái độ cầu tiến, ham học hỏi,… được ứng viên bộc lộ, thể hiện rõ khi tham gia phỏng vấn.
Ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế giảng đường, hãy không ngừng học hỏi và trau dồi kiến thức lẫn kỹ năng cho bản thân. Một khi đã xác định tham gia hay triển một công việc gì, các em phải hết lòng, có trách nhiệm đến cùng với công việc đó. Và để thành công, các em phải tập thói quen suy nghĩ chín chắn, trước khi đưa ra quyết định” – bạn Hồ Thị Ngọc Hiếu, cựu sinh viên Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng, Phụ trách Nhóm Marketing tại gian trưng bày-tương tác của FPT Software (tại IT Job fair phiên 16/4/2022), chia sẻ và gửi gắm.
Rõ ràng, nếu kiến thức chuyên môn, các em được khoa, trường bồi đắp rất vững, thì để chắc hơn, phải cần đến các thầy, cô là những người đang làm việc trực tiếp trong một quy trình, hay là người đang quản lý doanh nghiệp.
Một số kỹ năng như “tinh thần cầu tiến, có trách nhiệm đến cùng với công việc”, nếu được các chuyên gia, hay thậm chí một nhân viên, một kỹ sư đang làm việc tại một công ty, tập đoàn hướng dẫn, huấn luyện….kết quả, chắc chắn sẽ tốt hơn rất nhiều, so với các bài học kỹ năng được soạn sẵn ở giáo trình lý thuyết.
Tại không gian trưng bày-tương tác của FPT Software …
Trở lại với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao cho miền Trung và Tây nguyên của khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, khi chia sẻ về những đột phá trong đào tạo thời gian sắp đến; đặc biệt là “đáp ứng các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu chuyển đổi số”, lãnh đạo Khoa nhấn mạnh thêm:
Trong chương trình đào tạo và hướng dẫn PBL cũng như đồ án tốt nghiệp, Khoa sẽ tiếp tục tăng cường đào tạo các môn học liên quan đến Toán ứng dụng công nghệ thông tin, chú trọng vào các hướng nghiên cứu, hoặc khai thác và ứng dụng sâu hơn công nghệ blockchain, AI, khoa học dữ liệu, công nghệ thực tại ảo,…
Lan tỏa
Một ví dụ sinh động khi doanh nghiệp đồng hành cùng quá trình bồi đắp kỹ năng cho sinh viên, đặc biệt là các bạn đã tốt nghiệp, thậm chí đã đi làm, muốn có vị trí công việc tốt hơn, phát huy “tay nghề”: đó là buổi chia sẻ “Kinh nghiệm thực tế khi phỏng vấn onsite Nhật Bản”, do Rikkeisoft Đà Nẵng tổ chức (hôm 31/3/2022). Seminar này có mục đích giúp các bạn có sự chuẩn bị tốt nhất, cũng như có thêm kinh nghiệm, hoàn thành mục tiêu “sớm hái hoa Anh Đào ở Nhật”.
Chương trình đã chọn những diễn giả nhiều kinh nghiệm “thực chiến”, và cách tiếp cận gợi mở, dẫn dắt để các bạn trẻ đặt ra những câu hỏi xoay quanh các yêu cầu, đặc biệt là những “điểm xoáy” (hỏi sâu, hỏi kỹ, hỏi đi hỏi lại) của người phỏng vấn. Kể cả dự phòng cho những tình huống là “cú sốc thường gặp khi mới sang Nhật.” – Chị Nguyễn Thị Mai, đại diện Bộ phận Đào tạo của Rikkeisoft Đà Nẵng cho biết.
Câu hỏi các anh chị Rikkeisoft Đà Nẵng đưa ra thật khó …
Tại Rikkeisoft Đà Nẵng, để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng và phát triển chung của hệ thống, công tác tạo nguồn, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực được công ty chú trọng. Trong năm 2022, có hơn 200 vị trí việc làm ngay tại Rikkeisoft Đà Nẵng. Toàn hệ thống Rikkeisoft đang phát triển mạnh mẽ và tầm nhìn của là một vạn nhân sự vào năm 2025 (hiện tại 1.500 nhân sự trên toàn hệ thống). Nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn đang chờ các kỹ sư tương lai.
Rikkeisoft Đà Nẵng và Khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng đã xác lập mối quan hệ và sự gắn bó lâu dài. Hợp tác cùng doanh nghiệp chặt chẽ hơn, là điểm mạnh để chất lượng đào tạo của Khoa, của Trường luôn giữ được uy tín, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhà tuyển dụng.
IT Job fair ngày càng linh hoạt thiết thực với nhu cầu cả 2 phía
IT Job fair 2022 là sự kiện thường niên, do khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng tổ chức, mỗi lần tổ chức, thu hút hàng ngàn lượt sinh viên (kể cả sinh viên ngoài trường) đến tham dự.
Đợt 1 của IT Job fair 2022, đã diễn ra hôm 16/4/2022, trở thành dịp cung cấp thông tin về cơ hội nghề nghiệp, đặc biệt là thực tập tại doanh nghiệp, giúp các em sinh viên sớm có định hướng và sự chuẩn bị tốt nhất từ kiến thức chuyên môn, đến những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết, sẵn sàng tâm thế hội nhập vào thị trường nguồn nhân lực.
Chọn lựa thời gian và lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp, IT Job fair DUT đã ngày càng linh hoạt thiết thực với nhu cầu cả 2 phía.
“Kết thúc sự kiện Job Fair với các hoạt động hấp dẫn, cùng chúng mình điểm lại những khoảnh khắc tuyệt vời của ngày hôm nay nha!
Những chiếc CV ấn tượng “made-in BKĐN”. Màn chinh phục minigame cực vui và rinh về những phần quà siêu cool từ công ty chúng mình. Cùng những chia sẻ, trao đổi về công việc, môi trường để giúp chúng mình được gần thêm với các bạn IT DUTers siêu năng động” – thông tin được chia sẻ facebook một doanh nghiệp, nhìn nhận.
Còn đây là “góc nhìn” khác: Fsoft cũng đã gặp được một số ứng viên giỏi, kỹ năng phù hợp với các vị trí tuyển dụng của công ty.
Lãnh đạo khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng phân tích: Lượng thông tin liên quan đến tuyển dụng, cũng như yêu cầu về thực tập luôn có ý nghĩa đối với các em sinh viên. Từ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, các em xác định rõ hơn, cụ thể hơn, bản thân mình cần nắm bắt thêm, trang bị thêm cái gì cho chính bản thân, ngoài lượng kiến thức và kỹ năng, khoa và trường đã trang bị.
Các bạn sinh viên được chào đón ở mọi không gian tương tác.
“Các hoạt động mang tính kết nối như JoB FAIR đã giúp cho FPT Software nhiều cơ hội tiếp cận gần hơn với sinh viên. Công ty có được cơ hội tìm hiểu nhu cầu công việc của các bạn là gì, có mong muốn gì, thích gì và muốn làm việc ở môi trường như thế nào, từ đó có thể đáp ứng nhu cầu của các bạn sinh viên tốt hơn và hỗ trợ cho việc bổ sung nguồn nhân lực cho công ty đầy đủ hơn” – bạn Hồ Thị Ngọc Hiếu bổ sung thêm.
“Dù đang là sinh viên năm 2, nhưng khi được tiếp xúc sớm với doanh nghiệp đã giúp em hiểu biết rõ hơn về môi trường làm việc cũng như một số nguyên tắc, quy trình cơ bản khi làm việc phải như thế nào? Nhiều thắc mắc của em và các bạn, đều được các anh chị đại diện doanh nghiệp giải đáp, tư vấn rõ ràng.
Nhờ đó, chúng em đã biết được những gì mà doanh nghiệp thực sự rất cần, để rồi trau dồi hơn nữa kiến thức, đảm bảo sau này sẽ hoàn thành tốt công việc được giao. Bên cạnh đó, khi tham gia các minigames theo nhóm, kỹ năng làm việc nhóm của em, của các bạn được cải thiện” – bạn Lê Ngọc Hưng, sinh viên lớp 20T1 năm thứ 2 , ngành Công nghệ thông tin, trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, bày tỏ.
Trần Ngọc