DHBK

Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng tổ chức kỳ họp thứ 9 Hội đồng hoàn thiện Quốc gia chương trình đào tạo Kỹ sư chất lượng cao PFIEV

14/11/2017 11:23

Sáng ngày 10 tháng 11 năm 2017, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đã long trọng tổ chức kỳ họp thứ 9 Hội đồng hoàn thiện Quốc gia chương trình đào tạo Kỹ sư chất lượng cao PFIEV dưới sự chủ trì của ông Etienne Rolland-Piegue - Tham tán Hợp tác và Hoạt động văn hóa, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Bà Nguyễn Thị Minh Tâm - Đại diện Cục quan hệ quốc tế kiêm Phó Giám đốc phụ trách Văn phòng PFIEV Quốc gia và GS.TS Lê Kim Hùng – Bí thư Đảng Uỷ, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng.

Chương trình đào tạo Kỹ sư chất lượng cao (PFIEV) là dự án hợp tác song phương được chính phủ Việt Nam và Cộng hoà Pháp triển khai từ năm 1999. Chương trình được triển khai tại 4 trường đại học uy tín của Việt Nam : Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh với sự cộng tác của 8 trường đại học hàng đầu của Pháp. Hằng năm, Hội đồng hoàn thiện chương trình đào tạo Kỹ sư chất lượng cao PFIEV đều tiến hành cuộc họp thường niên để đánh giá kết quả hoạt động của năm trước đồng thời đưa ra những định hướng hoạt động trong năm tiếp theo.


Đại biểu tham dự cuộc họp

Mở đầu chương trình cuộc họp, GS.TS Lê Kim Hùng – Bí thư Đảng Uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường thay mặt cho 4 trường đại học tham gia chương trình PFIEV nhiệt liệt chào mừng quý đại biểu đến tham dự kỳ họp thứ 9, Hội đồng hoàn thiện chương trình đào tạo Kỹ sư chất lượng cao PFIEV và cảm ơn sự chỉ đạo, hỗ trợ và quan tâm sâu sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Bộ giáo dục và Nghiên cứu khoa học, Lãnh đạo các trường đối tác Pháp và các trường Đại học của Việt Nam tham gia chương trình PFIEV cũng như sự hỗ trợ hiệu quả từ phía các doanh nghiệp và sinh viên. Thầy chia sẻ «Từ năm 1999, chương trình PFIEV đã đào tạo cho các nước nhiều kỹ sư chất lượng cao có kiến thức, kỹ năng tốt về chuyên môn và trình độ ngoại ngữ. Chương trình đã tạo được thương hiệu riêng và ấn tượng tốt đối với các nhà tuyển dụng và đã 3 lần được Uỷ ban bằng kỹ sư Pháp CTI đánh giá công nhận chất lượng giai đoạn 2004-2009, 2010-2016 và 2017- 2022. Đây là những chương trình đào tạo được Châu Âu và Hoa kỳ công nhận tương đương trình độ Thạc sĩ».


GS.TS Lê Kim Hùng – Bí thư Đảng Uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu

Thầy mong rằng cuộc họp sẽ thảo luận đưa ra định hướng phát triển chương trình PFIEV năm 2018 và tương lai nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước, khu vực và quốc tế, trong xu thế cạnh tranh mạnh mẽ và ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời đảm bảo chương trình PFIEV được tái công nhận chất lượng của Uỷ ban bằng kỹ sư Pháp CTI cho những giai đoạn tiếp theo.

Ngài Etienne Rolland-Piegue - Tham tán Hợp tác và Hoạt động văn hóa, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam nhận định «Chương trình đào tạo Kỹ sư chất lượng cao PFIEV rất quan trọng với Việt Nam, chương trình đã được chọn lọc và đào tạo phù hợp với sự phát triển Việt Nam. Đại sứ quán Pháp trong suốt thời gian qua luôn quan tâm và dành nhiều ưu tiên cho chương trình hợp tác của Pháp – Việt Nam nhằm giúp Việt Nam có khả năng đào tạo các kỹ sư theo chuẩn Pháp tại Việt Nam».


Ngài Etienne  Rolland-Piegue - Tham tán Hợp tác và Hoạt động văn hóa, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam

Trước đó, tại Phiên họp trù bị chiều ngày 09/11/2017, bốn trường tham gia chương trình PFIEV đã trao đổi, bàn bạc đưa ra 6 điểm cần thảo luận :

1. Hoạt động chương trình PFIEV và tính liên kết giữa bốn trường tham gia PFIEV trong giai đoạn sau năm 2017 khi dự án kết thúc?

2. Sự phát triển bền vững của chương trình PFIEV trong giai đoạn các trường tự chủ và tiến đến tự chủ khi không có kinh phí từ Bộ Giáo dục và Đào tạo trong khi thiết bị đào tạo, nghiên cứu xuống cấp và lạc hậu so với sự phát triển của công nghệ.

3. Giải pháp để nâng cao tính thu hút và khả năng cạnh tranh của chương trình PFIEV, sự cân bằng giữa số lượng và chất lượng tuyển sinh.

4. Rà soát, cập nhập đổi mới chương trình đào tạo của chương trình PFIEV trong bối cảnh mới.

5. Vấn đề nâng cao trình độ ngoại ngữ đối với các sinh viên của chương trình PFIEV và vai trò hỗ trợ của Đại sứ quán Pháp.

6. Thực tập tốt nghiệp của sinh viên năm cuối, các nguồn học bổng của Pháp và Bộ Giáo dục và Đào tạo sau giai đoạn 2017.

Tại Phiên chính thức, các đại biểu tham dự đã cùng nhau thảo luận các giải pháp tăng cường ngoại ngữ (Anh, Pháp) cho sinh viên chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao PFIEV, các nguồn học bổng cho sinh viên và sự cần thiết của việc tiếp tục duy trì sự tồn tại văn phòng PFIEV quốc gia. Những vấn đề còn lại của cuộc họp sẽ được tiếp tục trao đổi, thảo luận trong thời gian đến.


Đại biểu tham dự chụp hình lưu niệm

Cuộc họp đã kết thúc thành công tốt đẹp, tất cả những ý kiến thảo luận tại cuộc họp được ghi nhận và tổng hợp, báo cáo Bộ giáo dục và Đào tạo để kịp thời giải quyết, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của Chương trình PFIEV, nâng cao chất lượng đào tạo cũng như tính hấp dẫn của Chương trình trong những năm tiếp theo.

Tin, bài: Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN