DHBK

Hội thảo ngành Kỹ thuật Xây dựng công trình quy mô lớn Nhật Bản lần đầu tiên được tổ chức Đà Nẵng, Việt Nam

06/11/2012 08:28

Chiều ngày 5.11, tại Đà Nẵng, Hiệp hội Kỹ thuật xây dựng Nhật Bản (HHKTXD) phối hợp với trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Ngành Kỹ thuật xây dựng công trình quy mô lớn Nhật Bản dành cho sinh viên. 

Đây là hội thảo đầu tiên được Hiệp hội Kỹ thuật xây dựng Nhật Bản tổ chức tại nước ngoài với sự tham gia của 6 doanh nghiệp trong tổng số 140 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội.

 

 

Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng là công trình có thiết kế hiện đại, kết cấu phức tạp và không có điển hình trước đó để tham khảo nên đòi hỏi phải áp dụng giải pháp công nghệ hiện đại trong thi công mới đảm bảo chất lượng cũng như đảm bảo tiến độ đề ra.

Và nhà thầu TAKCO đã đề xuất công nghệ cốp pha PERI (với sự trợ giúp của các chuyên gia CHLB Đức).

Đây cũng là công nghệ được đánh giá là hiện đại nhất hiện nay trong chuyên ngành xây dựng của thế giới.

Trước đó, TAKCO cũng đã sử dụng thành công công nghệ này trong thi công tòa cao ốc AZURA tại Đà Nẵng.

Ảnh: Tại công trình TTHC Đà Nẵng, kết cấu cốt-pha chuẩn sử dụng cho tầng này được (cần cẩu) dịch chuyển lên phục vụ cho tầng cao hơn. Ít tốn thời gian tháo dỡ hay lắp đặt mới.                                                                                        - ảnh:T.Ngọc

 

Các doanh nghiệp tham gia lần này là những doanh nghiệp lớn về lĩnh vực kỹ thuật, xây dựng đang tìm hiểu cơ hội mở rộng thị trường tại Việt Nam. Và Nhật Bản là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong công tác xây dựng cũng là nơi sử dụng nhiều kỹ thuật mới trong thi công xây dựng.

Hàng trăm SV chuyên ngành Đại học Bách Khoa Đà Nẵng đã đến tham dự và tỏ ra thích thú trước lượng thông tin được các diễn giả cung cấp.


Tại sao kỹ thuật xây dựng quan trọng?

Đối với các công trình xây dựng có quy mô lớn và hiện đại thì việc thi công đảm bảo về chất lượng cũng như đạt thẩm mỹ cao đòi hỏi phải sử dụng nhiều công nghệ hiện đại và phải áp dụng kỹ thuật cao.

Kỹ thuật xây dựng là hoạt động khoa học ứng dụng đóng góp cho hệ thống hạ tầng mới và các đổi mới của lĩnh vực này nhằm đạt được mục tiêu hoặc nhiệm vụ mà yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra cần đến.

Kỹ thuật xây dựng được cụ thể bằng cách kết hợp “ công nghệ” và “ tri thức” theo xu thế chuyên môn hóa từng vấn đề.

Nói chuyện với đông đảo SV chuyên ngành và các đại biểu có mặt tại hội thảo, ông Koda Madoka, cố vấn Công ty CHIYODA Nhật Bản đã gợi mở một vấn đề tưởng chừng đơn giản:

“Tại sao kỹ thuật xây dựng quan trọng?”.

Và câu trả lời của ông Koda Madoka đã khiến mọi người phải giật mình nghĩ lại…

Ông Koda Madoka nói chậm từng chữ “ Vì nó đóng góp trực tiếp vào sự phát triển bền vững của xã hội”.

 

 

Đây là lần đầu tiên, Hiệp hội Kỹ thuật xây dựng Nhật Bản tổ chức hội thảo tại nước ngoài.  - ảnh: Ngọc Long.

 

Kỹ thuật xây dựng có tầm quan trọng vô cùng, bởi nó không chỉ ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của ngành xây dựng nói riêng, mà rộng hơn là đóng góp cho sự hình thành hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội của một vùng, một đất nước, rộng lớn hơn cả một khu vực.

Việc áp dụng kỹ thuật trong xây dựng tạo nên sự thành công lớn đối với các công trình hiện đại ở mỗi quốc gia và trên toàn thế giới đã ngày càng được nhân rộng.

 

 

Công trình mới: Cầu Rồng vượt sông Hàn cũng là dự án áp dụng nhiền tiến bộ mới trong kỹ thuật xây dựng.

Cầu Rồng – TP Đà Nẵng được xây dựng theo quy mô vĩnh cữu ; đây cũng là công trình có kết cấu vòm đặc biệt nhất Việt Nam.

- ảnh: T.Ngọc

 

Tại hội thảo các diễn giả và đại biểu cũng nhìn nhận: TP Đà Nẵng nhờ áp dụng kỹ thuật xây dựng mới, hiện đại trong xây dựng đã tạo bước đột phá cho đô thị như việc xây dựng những cây cầu bắc qua sông Hàn, xây dựng những nhà cao tầng hiện đại có thiết kế phức tạp, xây dựng đô thị lấn biển…

Nhiều cơ hội cho sinh viên Bách khoa Đà Nẵng

Mục đích hội thảo nhằm giới thiệu quy mô các công trình, kỹ thuật liên quan đến ngành xây dựng của Nhật Bản đến các sinh viên và đồng thời giới thiệu cơ hội việc làm cho sinh viên có thể làm việc tại các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Kỹ thuật xây dựng Nhật Bản.

 

 

Các bạn SV Đại học Bách khoa Đà Nẵng đặt câu hỏi thêm với diễn giả và tiếp xúc với đại diện các Công ty Xây dựng Nhật bản tại bàn giới thiệu/tư vấn.

-ảnh:Ngọc Long


 

Tại hội thảo, các doanh nghiệp Nhật bản đã có phần giới thiệu quy mô hoạt động của đơn vị, giới thiệu một số công trình đã tham gia thi công mang tính chất tiêu biểu cho việc áp dụng nhiều kỹ thuật xây dựng mới.

Trong đó, Công ty SANKYU Nhật Bản có Văn phòng tại Việt Nam đã giới thiệu quy mô hoạt động của Công ty tại một số quốc gia trên thế giới. Công ty được thành lập vào năm 1918 có gần 1.000 nhân viên, 39 chi nhánh nội địa. Công ty TOYO với lĩnh vực hoạt động chính là năng lượng, lọc dầu, hóa dầu, xử lý khí, hạ tầng, xử lý nước… đã tham gia xây dựng hàng nghìn nhà máy trên 50 quốc gia.

Các doanh nghiệp Nhật Bản nêu trên đều muốn thu hút các SV xuất sắc của Đại học Bách khoa Đà Nẵng tham gia làm việc tại Chi nhánh của họ Việt Nam, thậm chí, một số chi nhánh của công ty tại các quốc gia khác.