DHBK

Lễ Kỷ niệm 30 năm (1982-2012) đào tạo và phát triển khoa Nhiệt – Điện lạnh trường Đại học Bách khoa

23/09/2012 04:12

Sáng nay 22/9, Khoa Nhiệt – Điện lạnh trường Đại học (ĐH) Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã tổ chức kỷ niệm trọng thể 37 năm (1975-2012) ngày thành lập - 30 năm (1982-2012) đào tạo và phát triển. 

Khoa Nhiệt – Điện lạnh ngày nay được hình thành và phát triển trên cơ sở Bộ môn Nhiệt Điện thuộc Khoa Điện trước đây. 

Từ cái nôi này, đến nay đã có hơn 1600 kỹ sư Nhiệt – Lạnh được đào tạo bài bản đã tỏa đi khắp mọi miền của đất nước phục vụ cho công cuộc xây dựng tổ quốc. Nhiều người trong số họ đã trở thành các cán bộ kỹ thuật giỏi, cán bộ lãnh đạo chủ chốt đã và đang nắm giữ các cương vị quan trọng trong các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, phát huy tốt vai trò của mình, có những đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Được biết, nhiều Giảng viên của Khoa đã tốt nghiệp TS từ các nước tiên tiến trên thế giới và đang là lực lượng nòng cốt trong công tác đào tạo và NCKH. Các cựu lãnh đạo khoa Nhiệt – Điện lạnh cũng đã trở thành các lãnh đạo nhà trường như PGS.TS. NGƯT. Đào Ngọc Chân, nguyên phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa; GS.TSKH. Phan Quang Xưng nguyên Giám đốc ĐH Đà Nẵng . . . ; nhiều Thầy, cô đã và đang cống hiến rất nhiều cho sự phát triển vững chắc của trường ĐH Bách khoa và ĐH Đà Nẵng.

 

Khoa Nhiệt –Điện lạnh đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường ĐH Bách khoa - Phó Giáo sư.Tiến sỹ Lê Kim Hùng – Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Đà Nẵng khẳng định như trên trong phát biểu tại buổi lễ.

Trong niềm vui của cột mốc lịch sử 37 năm ngày thành lập (1975-2012) - 30 năm (1982-2012) đào tạo và phát triển, khoa Nhiệt – Điện lạnh đã và đang sẵn sàng nhận nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho Nhà máy Điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. Trong tổng số 7 giảng viên, cán bộ của ĐH Đà Nẵng đang được cử sang học tập và nghiên cứu tại Hungary, có 2 giảng viên của Khoa.

"Cuối năm nay, các Thầy trở về Việt Nam và chúng tôi sẽ bắt tay ngay vào những công việc để chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới " - Phó GS.TS Hoàng Ngọc Đồng – Chủ nhiệm đương nhiệm khoa Nhiệt – Điện lạnh nhấn mạnh.

Từ khoa Điện 1975 đến lớp Nhiệt đầu tiên 1982

Được biết, ngay sau ngày quê hương giải phóng (1975), vào thời điểm ĐH Bách khoa Đà Nẵng được thành lập, Khoa Điện là 1 trong 3 khoa (Điện, Cơ khí và Kinh tế) được mở đầu tiên.

 

Phó GS.TS Đào Ngọc Chân, Tổ trưởng bộ môn , Chủ nhiệm khoa Điện (1985-1988), thuộc thế hệ khai phá sáng lập khoa Nhiệt – Điện lạnh ngày nay.

Đến năm 1982, lớp 82Đ2 với 16 SV được thành lập và trở thành lớp Nhiệt đầu tiên của ĐH Bách khoa Đà Nẵng chính thức bước vào quy trình được đào tạo chuyên ngành (lúc đó thuộc quản lý của bộ môn Nhiệt Điện). Thế hệ kỹ sư Nhiệt đầu tiên của ĐH Bách khoa Đà Nẵng này đã tốt nghiệp năm 1987.

Chia sẻ với các đại biểu, các cựu giảng viên, cựu SV và các SV đang theo học chuyên ngành, Phó GS.TS Hoàng Ngọc Đồng – Chủ nhiệm khoa cho biết :

1975, bộ môn Nhiệt - Điện thuộc khoa Điện lúc đó chỉ có 4 người là những cán bộ thuyên chuyển từ ĐH Bách khoa Hà Nội vào. Sau sự kiện thành lập lớp Nhiệt đầu tiên (1992), đến đầu năm 1988, nhà trường thành lập mới khoa Năng Lượng gồm hai bộ môn : Kỹ thuật Nhiệt và Máy lạnh từ bộ môn Nhiệt Điện (khoa Điện) và Cơ khí Động lực (từ khoa Cơ khí) để đào tạo hai ngành: Kỹ thuật Nhiệt và Máy lạnh (ký hiệu ngành N2) và Cơ khí Động lực (ký hiệu N1). SV các lớp 83Đ2, 84Đ2, 85Đ2, 86Đ2, 87Đ2 được chuyển từ khoa Điện về khoa Năng Lượng quản lý và được đổi tên thành các lớp N2. Từ khóa 1988 trở về sau các lớp N2 được tuyển trực tiếp vào khoa Năng Lượng.

Năm 1995, khoa Năng Lượng được giải thể, bộ môn Cơ khí động lực được sát nhập về khoa Cơ khí và bộ môn Kỹ thuật Nhiệt và Máy lạnh được phát triển thành khoa Kỹ thuật Nhiệt và Máy lạnh.

Năm 2000, khoa Kỹ thuật Nhiệt và Máy lạnh được đổi tên thành khoa Công nghệ Nhiệt – Điện lạnh và từ năm 2010 (cho đến nay) là khoa Nhiệt – Điện lạnh.

 

Phó GS.TS Hoàng Ngọc Đồng – Chủ nhiệm khoa

Trải qua 30 năm đào tạo, 37 năm xây dựng và phát triển, khoa Nhiệt – Điện lạnh ĐH bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã phát triển mạnh mẽ và vững chắc. Đội ngũ thầy cô giáo của khoa không ngừng lớn mạnh, nhiều cán bộ của khoa đã được đào tạo một cách bài bản ở bậc đại học và sau đại học từ nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Nga, Nhật, Đức, CH Séc…

Tuy số lượng không nhiều nhưng đã có nhiều người đạt học vị tiến sĩ khoa học, tiến sĩ, và các chức danh giáo sư, phó giáo sư, giảng viên cao cấp, giảng viên chính, đủ sức đào tạo kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ, đồng thời đủ khả năng giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ Nhiệt do thực tiễn đặt ra.

Hiện nay khoa Nhiệt – Điện lạnh ĐH bách khoa (ĐH Đà Nẵng) có 3 bộ môn: bộ môn Cơ sở kỹ thuật Nhiệt, bộ môn Kỹ thuật Năng lượng và Môi trường và bộ môn Kỹ thuật Nhiệt lạnh.

Toàn khoa hện có 18 cán bộ giảng dạy và phục vụ giảng dạy, trong đó có 8 tiến sĩ, 6 thạc sĩ, 4 kỹ sư và cử nhân, 3 Phó giáo sư, 4 Giảng viên chính, 7 Giảng viên, 2 Trợ giảng và 2 cán bộ phục vụ. Khoa đang đào tạo hai chuyên ngành: ngành Nhiệt – Điện lạnh và ngành Kỹ thuật năng lượng & Môi trường với tổng số 750 sinh viên.

Được sự chăm lo và quan tâm của Ban Giám đốc Đại học Đà Nẵng, Ban Giám hiệu trường Đại học Bách khoa, Khoa Nhiệt – Điện lạnh đã có một cơ sở vật chất tương đối để phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Khoa có Xưởng Nhiệt với các trang thiết bị, dụng cụ thực hành cơ bản phục vụ cho SV tham quan, thực tập; xưởng thiết bị thuộc dự án Cơ – Nhiệt – Điện lạnh và 6 phòng thí nghiệm chuyên ngành để phục vụ thí nghiệm và nghiên cứu khoa học, đó là : Phòng thí nghiệm kỹ thuật Nhiệt và Đo lường – Tự động; Phòng thí nghiệm Lò hơi, Tua bin và Nhà máy Nhiệt điện; Phòng thí nghiệm Kỹ thuật Sấy; Phòng thí nghiệm Kỹ thuật Lạnh và Điều hòa không khí, Phòng thí nghiệm Năng lượng tái tạo.

Các xưởng và phòng thí nghiệm với các thiết bị hiện đại, có thể đáp ứng tốt công tác thực tập, thí nghiệm, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ tốt công tác giảng dạy và học tập của thầy và trò trong khoa.

1 trong 2 khoa đầu tiên của ĐH Bách khoa Đà Nẵng được phép đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ

Song song với việc đào tạo bậc đại học, Khoa Nhiệt – Điện lạnh còn là một trong 2 khoa đầu tiên của trường được đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. Năm 1998, những thạc sĩ ngành Nhiệt đầu tiên của trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã tốt nghiệp tại đây, đến nay khoa đã đào tạo được 4 tiến sĩ và gần 70 thạc sĩ, các hạt giống này đã phát huy tốt vai trò của mình và đang giữ những vị trí lãnh đạo quan trọng trong các trường ĐH - CĐ.

Hiện khoa đang đào tạo một ngành bậc cao học (thạc sĩ) và hai ngành bậc trên đại học (tiến sĩ) với 3 nghiên cứu sinh là tiến sĩ và 15 học viên cao học.

 

Báo cáo khoa học Thải tro xỉ và sử dụng tro xỉ - một vấn đề kinh tế kỹ thuật lớn của các Nhà máy nhiệt điện đốt than của Việt Nam. Tác giả: Phó GS.TS Trương Duy Nghĩa – Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam

Trong khuôn khổ kỷ niệm 37 năm (1975-2012) ngày thành lập - 30 năm (1982-2012) đào tạo và phát triển, chiều 22/9, Khoa Nhiệt – Điện lạnh trường Đại học (ĐH) Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã tổ chức Hội nghị khoa học chuyên ngành Kỹ thuật Nhiệt Lạnh.

Báo cáo viên chính tại phiên sinh hoạt khoa học trên có các giảng viên và giới nghiên cứu chuyên ngành đến từ Hội KHKT Nhiệt Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt Lạnh, các trường ĐH bách khoa Hà Nội, ĐH Công nghiệp, ĐH Sư phạm Kỹ thuật và TP.HCM ; ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Quảng Bình, Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng và các giảng viên Khoa Nhiệt – Điện lạnh đơn vị đăng cai.
Phó GS.TS Trương Duy Nghĩa – Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam và Phó GS.TS Hoàng Ngọc Đồng– Chủ nhiệm khoa Nhiệt – Điện lạnh ĐH bách khoa, ĐH Đà Nẵng chủ trì hội thảo.

Trong dịp này, tạp chí Khoa học và Công nghệ ĐH Đà Nẵng cũng đã ra số đặc biệt, dành trọn quyển II, số 9 (58) 2012 công bố 17 báo cáo khoa học chuyên ngành Nhiệt và Điện lạnh.

 

Báo cáo khoa học: Tính toán Acquy Nhiệt mặt trời. Tác giả: Phó GS.TS Nguyễn Bốn, khoa Nhiệt – Điện lạnh ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng.

Thực hiện thành công nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ giá trị lớn

Bên cạnh công tác giảng dạy, Khoa Nhiệt – Điện lạnh đã phát triển rất mạnh công tác nghiên cứu khoa học. Cán bộ giảng dạy của Khoa đã hoàn thành 61 đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ, trong đó có 2 đề tài Ươm tạo công nghệ, 3 đề tài cấp Bộ trọng điểm, 45 đề tài cấp bộ và 11 đề tài cấp ĐH Đà Nẵng và cấp trường.

Một số đề tài được tuyển chọn dự giải VIFOTEC và đã giành được đến 2 giải nhất, 2 giải nhì (1 giải KK).

Các cán bộ của Khoa đã có trăm bài báo được đăng trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong,ngoài nước.

Một thành quả lớn cũng được tổng kết sau 37 năm thành lập , 30 năm xây dựng và phát triển, đó là Khoa Nhiệt – Điện lạnh có truyền thống về chuyển giao công nghệ.

Khoa đã nghiên cứu chế tạo thiết bị và chuyển giao công nghệ vào thực tế sản xuất trong hầu hết các lĩnh vực công – nông nghiệp, thay thế các thiết bị ngoại nhập, giảm giá giá thành đầu tư trang thiết bị.

Hằng năm, Khoa thực hiện tổng giá trị hợp đồng chuyển giao công nghệ đến vài chục tỷ đồng. Nhiều sản phẩm do Khoa ché tạo đã trở thành thương hiệu có tiếng ở miền Trung-Tây Nguyên và đồng bằng Nam bộ. Trong đó, thành công nhất là thiết kế, chế tạo, lắp đặt và sửa chữa các hệ thống lò hơi công nghiệp. Tiếp đó là các định hướng nghiên cứu và phát triển công cụ, phương tiện sử dụng năng lượng mặt trời.

Phó Giáo sư.Tiến sỹ Lê Kim Hùng – Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Đà Nẵng nhìn nhận:

Nhiệt – Điện lạnh là một trong những Khoa tiên phong của trường trong công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Từ đầu những năm 1980, các cán bộ Giảng dạy của khoa đã thâm nhập thực tế, đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu cải tiến thiết bị, công nghệ sản xuất, giải quyết tốt các vấn đề phát sinh trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế xã hội. 

Nhiều Thầy Cô đã có những công trình nổi tiếng trong và ngoài nước, đã nhận được những phần thưởng cao quí của nhà nước như Thầy Đinh Văn Thuận, ...vv. Khoa Nhiệt - Điện lạnh không chỉ khẳng định bền vững một học hiệu đào tạo, mà thông qua kết quả nghiên cứu khoa học , chuyển giao công nghệ đã có đóng góp đáng kể cho công cuộc xây dựng phát triển kinh tế xã hội tại khu vực Miền Trung cũng như trên cả nước.

 

 

Các thế hệ SV về thăm trường, khoa và dự lễ kỷ niệm. Lật từng trang kỷ yếu tìm xem tên mình, tên bạn bè, thầy cô ... hình ảnh hoạt động của Khoa