DHBK

Trường Đại học Bách khoa ứng dụng năng lượng gió và mặt trời vào đào tạo và nghiên cứu khoa học

28/04/2012 14:47

Trong bối cảnh nguồn nhiên liệu hóa thạch ngày đang dần cạn kiệt, nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, việc nghiên cứu và ứng dụng nguồn năng lượng tái tạo, 

đặc biệt là năng lượng gió và mặt trời được rất nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Nhằm đưa công trình vào phục vụ việc đào tạo và nghiên cứu khoa học về nguồn năng lượng mới, chiều ngày 27/4/2012, tại Khu thí nghiệm Điện, trường Đại học Bách khoa đã tổ chức Khánh thành Trạm phát điện hỗn hợp năng lượng gió và mặt trời. Tham dự buổi Lễ Khánh thành có:

Về phía doanh nghiệp:

- Ông Trần Anh Vũ - CTHĐQT Công ty Đăng Hải (LIGHTHOUSE)

- Ông Nguyễn Xuân Dũng – Giám đốc Công ty Lưới điện Cao thế miền Trung

- Ông Nguyễn Trâm - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương

- Cùng đại diện lãnh đạo Công ty DINCO, Công ty TNHH Tư vấn và Xây lắp 504 và Xí nghiệp Sửa chữa Thí nghiệm - Công ty Lưới Điện Cao thế miền Trung

Về phía Đại học Đà Nẵng:

- PGS. TS Trần Văn Nam – Thành Ủy viên, Giám đốc Đại học Đà Nẵng

- ThS Trần Hữu Phúc – Chánh Văn phòng Đại học Đà Nẵng

Về phía Nhà trường có:

- PGS.TS Lê Kim Hùng – Hiệu trưởng Nhà trường

- TS Trương Hoài Chính – Phó Hiệu trưởng

- Cùng đại diện lãnh đạo các phòng, khoa và giảng viên khoa Điện

Trạm phát điện hỗn hợp năng lượng gió và mặt trời với công suất 8,6 kW - là quà tặng của UBND Huyện Đăk Hà, Tỉnh Kon Tum đã được vận chuyển, lắp đặt và đưa và sử dụng tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng với sự đóng góp công sức của nhiều cơ quan doanh nghiệp.

Trạm phát điện có thể thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi đồng thời năng lượng gió và năng lượng ánh sáng mặt trời thành điện năng với điện thế 220V. 

·  Nếu trạm chỉ sử dụng năng lượng gió thì có những lúc do vận tốc gió quá thấp, công suất phát điện của máy sẽ rất nhỏ, thậm chí máy không hoạt động. Trong khi đó khu vực Hòa Khánh nguồn năng lượng mặt trời lại rất dồi dào. Do đó, việc kết hợp cả hai loại năng lượng tái tạo trên đã khắc phục được hiện tượng phát điện ngắt quãng.

·  Để có thể kết hợp cả năng lượng gió và năng lượng mặt trời, hệ thống được trang bị một bộ nguồn thông minh. Bộ nguồn này gồm 2 đầu vào, một đầu là điện gió, một đầu là điện mặt trời, đầu ra dùng nạp ắc quy và qua bộ đổi điện để phục vụ tiêu dùng trong nhà trường. Nhờ vậy, hệ thống phát điện luôn hoạt động 24/24h.

·  Một giàn pin năng lượng mặt trời với tổng diện tích 28m2 có nhiệm vụ hấp thụ năng lượng ánh sáng mặt trời, tạo ra dòng điện và nạp vào hệ thống acqui kiềm. Tổng công suất hệ pin năng lượng mặt trời là 6,8 KW;

·  Một tuốc bin điện chuyển năng lượng gió thành dòng điện với công suất 1,8 KW;

· Bộ tích trữ và chuyển đổi thành dòng điện xoay chiều 220V. Hệ thống acquy lưu trữ là loại ácquy kiềm.

Nguồn năng lượng gió và mặt trời là những nguồn năng lượng sạch, có thể tái tạo và được xem là vô tận. Việc đưa Trạm phát điện hỗn hợp năng lượng gió và mặt trời vào sử dụng có một ý nghĩa to lớn trong nghiên cứu khoa học, đào tạo tại trường Đại học Bách khoa, tạo tiền đề tốt để từng bước nghiên cứu làm chủ công nghệ sản xuất năng lượng sạch trong tương lai.

 

Phát biểu tại buổi Lễ Khánh thành PGS.TS Lê Kim Hùng đã chân thành cám ơn Lãnh đạo Tỉnh Kon Tum, Lãnh đạo Huyện Đak Hà, các doanh nghiệp, giảng viên khoa Điện và đặc biệt các cựu sinh viên của trường Đại học Bách khoa đã hỗ trợ trong viêc vận chuyển, đóng góp xây dựng và cung cấp các thiết bị chuyên dụng để hoàn thành hệ thống này. Qua hơn 1 tháng lắp ráp, hiệu chỉnh của tập thể các giảng viên Khoa Điện và sự hỗ trợ các đơn vị doanh nghiệp đến nay hệ thống đã hoàn chỉnh và đã đưa vào sử dụng. Đây là một hệ thống mang ý nghĩa rất quan trọng đối với Nhà trường, ngoài việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong khuôn viên Nhà trường, hệ thống phát điện hỗn hợp năng lượng gió và mặt trời, còn phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học về năng lượng mới.

   PGS.TS Trần Văn Nam và PGS.TS Lê Kim Hùng kéo băng khánh thành
   PGS.TS Trần Văn Nam và PGS.TS Lê Kim Hùng tham quan trạm

Tại buổi lễ bàn giao được tổ chức tại xã Ngọc Wang, Huyện Đak Hà, Lãnh đạo Nhà trường đã cam kết sẽ sử dụng hệ thống này vào và phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học một cách hiệu quả nhất. Hệ thống đi vào hoạt động thể hiện sự gắn kết giữa Nhà trường và doanh nghiệp đồng thời là biểu tượng sinh động, khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng sạch, tái tạo và có ý nghĩa môi trường vô cùng to lớn.

    Trạm phát điện chiếu sáng trong khuôn viên Nhà trường