DHBK

Có thành tích nhưng chưa bao giờ tôi nhận mình thành công

20/11/2015 02:04

Đã có rất nhiều bài báo trong nước và quốc tế được đăng tải, nhiều công trình và đề tài hoàn thiện, được đánh giá cao nhưng TS. Lê Phước Cường - một nhà khoa học rất trẻ (SN 1985), đang công tác tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng không tự nhận mình là thành công.

 

TS. Lê Phước Cường cho biết, nguyên nhân để giúp tôi có được những thành tích trong nghiên cứu đó là tôi chưa bao giờ tự công nhận mình thành công vì khoa học là bao la rộng lớn, mình cần phải tiếp tục học hỏi nhiều từ kinh nghiệm khoa học từ các nước tiên tiến và từ các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế.

 

Trước thềm sự kiện lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp gặp mặt các nhà khoa học trẻ, tài năng, trí tuệ, có những thành tích đáng kể do Bộ khoa học và Công nghệ tổ chức, dự kiến vào ngày 11/9 tới đây, PV Chất lượng Việt Nam đã có trao đổi với nhà khoa học trẻ TS. Lê Phước Cường - Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng để rõ hơn về những suy tư của nhà khoa học trẻ với sáng tạo, cống hiến và kiến nghị.

 

Nhà khoa học trẻ TS. Lê Phước Cường đang trong phòng thí nghiệm

 

Nhà khoa học trẻ TS. Lê Phước Cường đang trong phòng thí nghiệm

 

Anh có thể chi sẻ với bạn đọc Chất lượng Việt Nam về những công trình, đề tài hiện nay anh đang góp công nghiên cứu?

 

Hiện nay tôi đang chủ trì và thực hiện chính 2 đề tài nghiên cứu cấp Bộ và tham gia thực hiện 3 đề tài nghiên cứu hợp tác trong và ngoài nước.

 

Đề tài cấp Bộ nghiên cứu về sự lan truyền các độc chất trong môi trường tại các Khu công nghiệp và đề xuất các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường.

 

Trong đề tài này, tôi cùng các cộng sự đã thực hiện các phương pháp kỹ thuật hiện đại để quan trắc môi trường như phương pháp ảnh điện 3D, nghiên cứu tích hợp hệ thống nhúng để tối ưu hoá trong kỹ thuật thăm dò địa chất, tìm ra quy luật chuyển động của vật chất bên dưới lòng đất.

 

Bên cạnh đó, đề tài đã ứng dụng thành công mô hình lọc từ tính để lọc thu hồi kim loại nặng từ nhà máy xi mạ tại Khu công nghiệp Hoà Khánh, Đà nẵng. Đề tài cấp Bộ tiếp theo đó là nghiên cứu xây dựng mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ các hệ sinh thái tại đảo Cù Lao Chàm, Quảng Nam trong điều kiện biến đổi khí hậu, tôi đã tham gia thực hiện các nghiên cứu và đề xuất được các mô hình vườn rừng trên cạn và mô hình sinh thái dưới nước để bảo tồn và phát triển bền vững chất lượng môi trường sinh thái tại khu vực này.

 

Để có được những ý tưởng mới, hay và lạ cần phải có điều kiện và cả sự may mắn, tôi may mắn được lãnh đạo Nhà trường tạo điều kiện tham dự các hội thảo trong và ngoài nước. Từ các hội thảo này, tôi đã biết được mình cần học hỏi thêm những gì và phải làm như thế nào để tự phát triển bản thân cũng như có những đóng góp thiết thực cho Ngành, cho Nhà trường.

 

Từ ý tưởng đến sản phẩm là cả một quá trình phấn đấu, cảm giác mỗi khi nhận được email từ các toà soạn tạp chí SCI, SCIE về việc chấp nhận đăng công trình nghiên cứu của mình thật sự là một hạnh phúc lớn vì những kết quả nghiên cứu của mình đã được ghi nhận.

 

Nhiều bạn trẻ hiện nay ngại theo con đường nghiên cứu vì họ thấy chế độ đãi ngộ thấp, không nhìn thấy ngay thành quả. Anh có lời khuyên gì cho họ?

 

Đây là vấn đề dễ hiểu và tôi hoàn toàn cảm thông với những suy nghĩ của các bạn trẻ hiện nay vì thời gian đầu khi chưa định hướng được, tôi cũng đã có những suy nghĩ như vậy. Dù ở bất kỳ lĩnh vực nào của cuộc sống, yếu tố đầu tiên để mang đến thành công chính là sự đam mê và lòng quyết tâm. Nếu các bạn có lòng quyết tâm và định hướng phát triển lâu dài đúng đắn, chắc chắn các bạn sẽ thành công. Từ vấn đề nhỏ nhất chúng ta cũng cần phải đề cao tinh thần trách nhiệm và có kế hoạch rõ ràng. Để chủ động hơn trong mọi việc, chúng ta cần vạch ra cho mình các kế hoạch dài hạn, trung hạn, kế hoạch tuần, kế hoạch ngày và cố gắng thực hiện theo những kế hoạch đã đề ra để có được kết quả mong đợi. Tuy nhiên, không phải lúc nào kết quả cũng sẽ đạt như ý muốn vì nhiều lý do rủi ro trong khoa học, do đó, các bạn trẻ cũng cần phải tự biết tiết chế, điều khiển cảm xúc của mình và quan trọng hơn cả là phải biết cách luôn tự động viên mình để vượt qua khó khăn, tham gia các hoạt động thiện nguyện, xã hội và vui chơi lành mạnh để cân bằng cảm xúc.

 

Nhà khoa học trẻ TS. Lê Phước Cường (bên phải) trong một lần trao phần thưởng cho sinh viên

 

Nhà khoa học trẻ TS. Lê Phước Cường (bên phải) trong một lần trao phần thưởng cho sinh viên

 

Theo anh, việc thu hút các nhà khoa học trẻ vào làm việc tại các trường đại học hiện nay có gặp khó khăn nào không và để giải quyết những khó khăn ấy cần có chính sách đãi ngộ riêng nào của các trường ngoài chính sách chung Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ?

 

Những năm qua, thành phố Đà Nẵng nói chung và Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng nói riêng đã áp dụng các cơ chế đãi ngộ cho các nhà khoa học có trình độ (GS, PGS, TS) giúp tạo điều kiện cho cán bộ của mình an tâm công tác. Trường hiện nay với hơn 30% giảng viên có trình độ Tiến sỹ trở lên có sứ mạng đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao cho cả khu vực miền Trung-Tây Nguyên do đó đã có rất nhiều các chính sách đãi ngộ riêng dành cho các cán bộ của trường nói chung và các nhà khoa học trẻ nói riêng như việc hỗ trợ tiền trợ cấp ngoài lương trong thời gian một năm đầu cho những cán bộ, Tiến sỹ đang tập sự; hỗ trợ tiền với mức cao cho các công trình khoa học được đăng trên các tạp chí quốc tế ISI, SCI, SCIE, các tạp chí quốc gia có điểm từ 1.0; hàng năm dành ra các quỹ riêng để khen thưởng những cán bộ hoạt động khoa học trẻ tiềm năng, những cán bộ hoạt động xuất sắc và có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển chung của Nhà trường...

 

Anh đánh giá thế nào về vai trò của Bộ KH&CN trong việc đưa ra những cơ chế, chính sách, sân chơi (chương trình sáng tạo Việt, chính sách với các vườn ươm tạo,…) khuyến khích thế hệ trẻ, tiếp lửa đam mê nghiên cứu khoa học, sáng tạo cho thế hệ trẻ? Kỳ vọng của anh về những cơ chế, chính sách đãi ngộ, trọng dụng các nhà khoa học trẻ?

 

Trong thời gian qua, tôi cũng đã có theo dõi những thông tin liên quan đến các hoạt động cũng như các cơ chế, chính sách dành cho những nhà khoa học trẻ của Bộ KH&CN, tôi đánh giá cao vai trò của Bộ KH&CN trong việc khuyến khích thế hệ trẻ và tạo ra những sân chơi chung thông qua các chương trình giao lưu, các cuộc thi sáng tạo trẻ…

 

Bản thân tôi là một người trẻ, cũng có những ước mơ hoài bão thực hiện những công trình nghiên cứu mang tầm quốc gia và có tính kinh tế cao, tôi rất mong trong thời gian đến nhận được thêm nhiều thông tin hơn nữa và sát với thực tế hơn để những nhà khoa học trẻ như chúng tôi được dễ dàng tiếp cận và thực hiện.

 

Anh có thể chia sẻ hướng nghiên cứu của mình trong những năm tới. Anh có mục tiêu như thế nào trong sự nghiệp nghiên cứu lâu dài của mình?

 

Tôi sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ hiện hành với các hướng nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng các công nghệ quy trình trong lĩnh vực xử lý môi trường. Tôi và nhóm nghiên cứu đang triển khai thực hiện nhân rộng mô hình xử lý nước áp dụng công nghệ xanh thân thiện với môi trường (lọc từ tính, lọc tuyển nổi) cũng như nghiên cứu hoàn thiện, tối ưu hoá hệ thống khảo sát thăm dò địa chất bằng phương pháp ảnh điện 2D, 3D với giá thành rẻ, phục vụ thiết thực trong các công tác khảo sát tìm nguồn nước ngầm, tìm mộ, tìm và phát hiện các nguồn khoáng sản…

 

Trong tương lai, tôi và nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục thực hiện các đề tài nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, tiếp tục mạnh dạn đề xuất các ý tưởng mới và thiết thực với đời sống người dân để thực hiện niềm đam mê của mình.

 

Xin cảm ơn anh, chúc anh ngày càng gặt hái được nhiều thành công!