DHBK

Đại học Đà Nẵng – các địa phương và Cộng đồng Doanh nghiệp: Hợp tác liên kết, đáp ứng đòi hỏi của giai đoạn phát triển mới

25/09/2012 06:54

Phó GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc Đại học (ĐH) Đà Nẵng đã có lời đề nghị tha thiết như trên trong phát biểu khai mạc buổi tọa đàm “Hợp tác giữa ĐH Đà Nẵng - Địa phương và Doanh nghiệp” diễn ra hôm chủ nhật 23/9/2012 tại ĐH Đà Nẵng.

 

Nhiều vấn đề cần được xem xét ở tầm lý luận và thực tiễn mới, trong bối cảnh phát triển mới, thông qua các hội thảo khoa học chuyên đề, do các trường, trung tâm đơn vị thành viên ĐH Đà Nẵng đứng ra chủ trì, phối hợp tổ chức, đã được giải quyết thỏa đáng.

Các hội thảo khoa học, hội thảo chuyên đề của ĐH Đà Nẵng luôn thu hút giới khoa học trong và ngoài nước quan tâm.

Tham dự tọa đàm có đại diện các Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi và 2 doanh nghiệp là Công ty Cao su Đà Nẵng, Nhà máy sản xuất ôtô Trường Hải.

 

Phó GS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng. - ảnh:T.Ngọc

Đặc biệt, nhân chuyến công tác tại các địa phương miền Trung Việt Nam, Giáo sư Hong Il Pyo (Chuyên gia Chương trình An ninh Nước GGGI – Hàn quốc) và Giáo sư Lê Hữu Tý (Nguyên là Chuyên gia Liên hiệp quốc, Giảng viên thỉnh giảng ĐH Đà Nẵng) đã cùng dự và chia sẻ sự quan tâm đến các vấn đề tại phiên tọa đàm.

Phó GS.TS Trần Văn Nam khẳng định thêm:

Với một số chuyên ngành đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu đã trở thành thế mạnh đặc thù, nhất là gần đây, nhiều nhóm nghiên cứu giảng dạy và ứng dụng được thành lập và hoạt động rất hiệu quả của, ĐH Đà Nẵng đang định hình dần mô hình ĐH nghiên cứu, hướng tới phân tầng đào tạo, trong đó nâng dần hệ đào tạo tinh hoa; song song với đào tạo cơ bản và đại trà theo nhu cầu học tập và của thị trường lao động.

 

Tổ chức các hoạt động sáng tạo cũng là thế mạnh của các khối ngành Kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng. -ảnh trên: Phó GS.TS Lê Kim Hùng - Hiệu trưởng ĐH bách khoa Đà Nẵng phát biểu tổng kết cuộc thi thiết kế Chip vi mạch lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng.

Kết quả nghiên cứu của năm 2012 của ĐH Đà Nẵng

* Tổ chức 45 hội nghị/hội thảo quốc tế và quốc gia
* Xuất bản 12 số tạp chí (15 cuốn), 4 số tiếng Anh
* Công bố 700 bài báo (185 bài báo quốc tế)
 Đã triển khai thực hiện các đề tài:
• 1 đề tài cấp Nhà nước - 1 đề tài Nghị định thư - 2 đề tài nghiên cứu cơ bản Nafosted - 2 đề tài của Bộ Công thương - 2 đề tài của Bộ KH&CN.
• 15 đề tài cấp Bộ Giáo dục & Đào tạo - 3 đề tài của các tỉnh/thành
• 74 đề tài cấp Đại học Đà Nẵng, 105 đề tài cấp trường

Quan tâm thường xuyên đến liên kết và chuyển giao công nghệ :

 

Với thế mạnh đó, việc hợp tác giữa ĐH Đà Nẵng với các Sở Khoa học và Công nghệ các địa phương sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc tăng dần hàm lượng khoa học, chất xám vào các chương trình dự án phục vụ phát triển KT-XH ; và ngược lại, các Giảng viên, các nghiên cứu sinh của ĐH Đà Nẵng cũng có điều kiện tốt hơn để nâng cao tính thực tiễn, tính gần gũi với đời sống và những nhu cầu, đòi hỏi bức bách từ quy trình sản xuất, dịch vụ trong đề tài của mình.

Hợp tác liên kết để không lãng phí nguồn lực này !

 

GS.TSKH Bùi Văn Ga - nguyên Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Giám Đốc Đại học Đà Nẵng, nay là Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cùng GS. Minami, Giám Đốc ĐH Osaka Prefecture trao đổi về khả năng hợp tác nghiên cứu ứng dụng xe gắn máy chạy bằng biogas (ảnh chụp ngày 6/3/2008). Nguồn: forum.vinamech.com.

ĐH Đà Nẵng qua nhiều năm tích lũy và xây dựng đã có được các trung tâm thí nghiệm và thực nghiệm hàng đầu khu vực:

TRUNG TÂM THÍ NGHIỆM PFIEV thuộc dự án Đào tạo Kỹ sư Chất lượng cao PFIEV. Do Đại học INPG đầu tư hình thành với kinh phí 12,5 tỉ đồng . PFIEV có thiết bị đo tự động 3 chiều Mitsutoyo, CNC, dây chuyền lắp ráp và hệ thống điều khiển tự động,…

Phòng thí nghiệm (PTN) ĐỘNG CƠ – ÔTÔ (AVL): tổng vốn đầu tư 63 tỉ đồng (nguồn kinh phí: Cộng hoà Áo). Thiết bị gồm băng thử động cơ ô tô - Thiết bị phân tích khí thải - Thiết bị kiểm định ô tô - Phân tích nhiên liệu, bôi trơn

PTN MÔI TRƯỜNG: được Bộ KH&CN đầu tư 30 tỷ đồng. Thiết bị tiêu biểu: thiết bị đo đạc, phân tích chất ô nhiễm môi trường nước, đất, khí đặc biệt là các chất thải từ đô thị, công nghiệp,…

 

PTN Điện – Điện tử. Do WB, Bộ KH&CN đầu tư với tổng vốn 20 tỷ đồng. PTN có thiết bị đo đạc, nghiên cứu, phân tích hệ thống điện, cao áp, biến tần, các thiết bị DSP,…

PTN Công nghệ sinh học cũng từ kênh vốn đầu tư của Bộ KH&CN (30 tỷ đồng). Tại đây có đầy đủ thiết bị nuôi cấy mô, tủ lạnh đa năng, lò hấp, các dây chuyền xử lý gen,…

PTN Công nghệ Thông tin do Bộ GD&ĐT đầu tư (20 tỉ đồng). Tại đây, Phòng máy thực hành có 200 máy tính, PTN mạng CISCO, PT hệ thống nhúng,…

PTN Cơ điện tử (do World Bank tài trợ 140 tỉ đồng). Các thiết bị chính của PTN gồm các máy phay, tiện CNC gia công đạt được độ chính xác cao, máy phay CNC 5 trục EMCO, máy chấn, máy cắt, máy mài, các máy gia công vạn năng, khuôn mẫu.... và các phụ kiện khác,...

 

Buổi tọa đàm hôm nay chính thức mở ra lộ trình hợp tác liên kết mới giữa ĐH Đà Nẵng – Địa phương và cộng đồng Doanh nghiệp, chúng tôi mong rằng đây sẽ là mô hình hợp tác bền vững, phát huy được tiềm năng lẫn thế mạnh của mỗi bên, đáp ứng các yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của cả vùng.

Được biết đến nay, ĐH Đà Nẵng đã triển khai 20 đề tài – chương trình nghiên cứu với các tỉnh thành khu vực miền Trung.

Trong đó, đề tài Xây dựng Đà Nẵng trở thành Tp hàm lượng Carbon thấp đã được đối tác quốc tế chấp thuận, hỗ trợ kinh phí triển khai.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại buổi tọa đàm rất đồng tình nhận xét : Thời gian qua, việc hợp tác giữa ĐH Đà Nẵng với các Sở Khoa học và Công nghệ, các địa phương và cộng đồng Doanh nghiệp vẫn chưa đạt được như mong muốn.

Các bên vẫn chưa thể phát huy hết thế mạnh của nhau.

Đơn cử như chưa chia sẻ cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ của doanh nghiệp phục vụ một phần nhu cầu thực tập và nghiên cứu ; nhiều chương trình – đề tài dược đầu tư nghiên cứu công phu ở trường ĐH đã chưa có điều kiện đi vào cuộc sống , chưa là nguồn đề tài đối ứng có tính thuyết phục cao, giúp nhà trường các tác giả (và cộng sự) có thể tiệm cận được kênh vốn là kinh phí địa phương dành cho sự nghiệp khoa học- công nghệ.

 

Ngày hội Robocon của SV ĐH Bách khoa Đà Nẵng -ảnh: T.Ngọc

 

 Hợp tác liên kết để không lãng phí nguồn lực này !

Các nhóm nghiên cứu – giảng dạy tiêu biểu khối ngành Kỹ thuật của ĐH Đà Nẵng:

DATIC (Danang Applied Technologies in Information and Communication)

• Xử lý ngôn ngữ tự nhiên
• Từ điển điện tử - Dịch tự động - Xử lý tiếng nói - Đa ngữ hóa các phần mềm.
• Xử lý tín hiệu và ảnh số : Nhận dạng mẫu - Mô hình hóa 2D/3D
• Điều khiển tự động

CRICEA (Center for Research of Internal Combustion Engines and Automobiles)

Nghiên cứu về động cơ đốt trong ô tô : - Nhiên liệu, chất bôi trơn - Nhiên liệu thay thế, sử dụng nhiều loại nhiên liệu LPG, NGV, Biogas,… - Buồng đốt trong của động cơ.

 

CRePA (Centre de Recherche pour la Production Automatisee)

- CNC/CAD/CAM - Dây chuyền sản xuất - Điều khiển tự động - Robot - Tin học công nghiệp

EPRC (Environment Protection Research Center)

Lĩnh vực nghiên cứu: - Kiểm soát ô nhiễm không khí - Xử lý chất thải - Xử lý ô nhiễm nguồn nước - Phát triển phương tiện giao thông sạch

 

Động cơ nhỏ chạy bằng BioGas do GS.TSKH Bùi Văn Ga (lúc đó đương nhiệm là Giám đốc ĐH Đà Nẵng) sáng chế vừa góp phần tiết kiệm nguồn năng lượng hóa thạch, khai thác lượng khí đốt hình thành tự nhiên, rát dồi dào ; giảm thiểu được các tác động xấu đến môi trường, nhất là giảm hiệu ứng nhà kính. Dự án từng được Công ty Toyota quyết định tài trợ kinh phí để sản xuất loại máy phát điện mini chạy bằng khí biogas. Nguồn: forum.vinamech.com.

 Nhóm Năng lượng mới 

• Lĩnh vực nghiên cứu: thiết bị áp lực, năng lượng mặt trời, gió, nhiệt và điện lạnh
• Đào tạo: Kỹ sư và Thạc sĩ và Tiến sĩ ngành Công nghệ và Thiết bị Nhiệt/Lạnh
• Đối tác hợp tác: Đại học Nagaoka, Kumamoto (Nhật Bản)

Nhóm Lọc hóa dầu
• Lĩnh vực nghiên cứu: công nghệ hoá học, công nghệ dầu và khí, công nghệ nano
• Đào tạo: Kỹ sư Công nghệ Dầu và Khí tiếng Pháp tăng cường, Thạc sĩ Công nghệ hoá học
• Đối tác: Institut Français du Pétrole (IFP), Université Sud Toulon et Var, Université du Maine (Pháp), Petro Vietnam

Nhóm Hoá tính toán
• Lĩnh vực: mô hình hoá, mô phỏng, tính toán
• Đào tạo: Kỹ sư Công nghệ hoá học, Thạc sĩ Công nghệ hoá học
• Đối tác hợp tác: Đại học Leuvern, Liège (Bỉ), Udon Thani Rajabhat University (Thái Lan), Utah (Mỹ), Kyoto University, ĐH Emory

 

Nhóm Cơ học tính toán
• Lĩnh vực: cơ học tính toán, các phần tử hữu hạn, cơ học chất lỏng
• Đào tạo: Kỹ sư Xây dựng thuỷ lợi – thuỷ điện, Thạc sĩ Công trình thuỷ, Tiến sĩ Cơ học kỹ thuật, Quản lý nguồn nước
• Đối tác hợp tác: Đại học Nice (Pháp), Đại học Nagaoka (Nhật Bản), ETS (Canada)

 

2/6/2012: Ra mắt sản phẩm máy tính bảng "Made in ĐH Đà Nẵng": UD Smart Book.

 

Ông Huỳnh Văn Ngộ - Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TP Đà Nẵng cho rằng cơ chế quản lý và chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, nhìn chung, vẫn chưa cụ thể hóa những quy định, mở đường cho các công trình nghiên cứu, đề tài ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, trở thành tác nhân của tăng trưởng.

Phát triển kinh tế của chúng ta, nhìn chung vẫn còn ở tình trạng gia công, xuất khẩu tài nguyên thô hoặc tạo ra doanh thu từ chính việc khai thác và kinh doanh tài nguyên, chứ chưa áp dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học ; chưa tạo ra giá trị thặng dư từ kinh tế tri thức.

Số lượng các doanh nghiệp đi lên từ ứng dụng khoa học- công nghệ mới còn rất thấp.

Phó GS.TS Võ Trung Hùng – Trưởng ban KHCN và MT ĐH Đà Nẵng đề nghị :

Để việc hợp tác giữa ĐH Đà Nẵng với các Sở Khoa học và Công nghệ, các địa phương và cộng đồng Doanh nghiệp đạt hiệu quả như mong đợi, không làm lãng phí nguồn lực và thời gian; các địa phương, doanh nghiệp hãy mạnh dạn đặt hàng cho ĐH Đà Nẵng giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tế ; ưu tiên tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc nhất hiện nay và tầm nhìn phát triển dài hạn của địa phương, của doanh nghiệp.

Trong đó, hết sức lưu ý những yêu cầu làm tăng tính ứng dụng thực tiễn cho các đề tài.

Các bên thường xuyên trao đổi thông tin qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm chuyên đề ; tìm kiếm và trao đổi thông tin của nhau qua website, qua e-mail và mỗi đơn vị đều có một đầu mối liên lạc chính làm cầu nối.

Liên quan đến kinh phí, theo Phó GS.TS Võ Trung Hùng, có thể sử dụng kinh phí KHCN của chính ĐH Đà Nẵng, của đơn vị hoặc đối ứng kinh phí.

T.Ngọc thực hiện