DHBK

Góc nhìn từ Ngày hội việc làm ĐH Bách khoa -DUT Job Fair - 2016

30/05/2016 00:43

Hơn 1.500 hồ sơ đã gửi đến các gian tư vấn và tuyển dụng của 10 doanh nghiệp tham gia Ngày hội việc làm trường ĐH Bách khoa -DUT Job Fair 2016-. So với nhu cầu cần tuyển 1.000 vị trí ở các lĩnh vực xây dựng, cơ khí, điện, làm việc tại Nhật…thì đây là nguồn nhân lực khá phong phú để tuyển chọn. alt

(từ bên phải ảnh sang): GS.TS Trần Văn Nam-Giám đốc ĐH vùng Đà Nẵng ; GS.TS Lê Kim Hùng - Hiệu trưởng và Phó GS.TS Trường Hoài Chính - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa thăm gian tư vấn, tuyển dụng của Công ty Doosan Vina, KKT Dung Quất, Bình Thuận, Bình Sơn, Quảng Ngãi.

“Ngày hội việc làm trường ĐH Bách khoa -DUT Job Fair 2016- là minh chứng cho quyết tâm tổ chức các hoạt động có ý nghĩa và thiết thực hướng về và dành cho SV của Phòng Công tác SV cùng Trung tâm Hỗ trợ SV và  Quan hệ doanh nghiệp. Nỗ lực hợp tác với các doanh nghiệp giải quyết việc làm cho SV chuẩn bị tốt nghiệp ra trường của trường chúng tôi luôn được Đảng ủy, Ban Giám hiệu đặc biệt quan tâm. Mặc dù đến hôm nay, DUT Job Fair mới diễn ra, nhưng công tác xây dựng kế hoạch và bắt tay thực hiện lại diễn ra ngay từ đầu năm học 2015-2016, với sự tham gia đầy đủ của các phòng, khoa trong nhà trường” - TS Nguyễn Văn Đông - Trưởng Phòng Công tác SV ĐH Bách khoa (ĐH vùng Đà Nẵng) chia sẻ.

“Đây là một hoạt động rất bổ ích và rất thiết thực với chúng em. Tuy nhiên, em rất muốn các doanh nghiệp tạo điều kiện để chúng em tiếp xúc với công việc theo chuyên ngành sớm hơn, tích lũy kinh nghiệm. Như vậy, khi đến với Ngày hội việc làm của trường, chúng em sẽ tự tin hơn rất nhiều. Thực tế, qua tìm hiểu, chúng em biết các doanh nghiệp rất quan tâm đến nguồn nhân lực, và việc về tận trường để tuyển dụng là vô cùng đáng quý. Mong lần sau, em có đủ kinh nghiệm để tham gia ứng tuyển vào các vị trí đúng chuyên ngành. Chắc chắn, em sẽ trúng tuyển vì em tin vào năng lực bản thân. Chỉ có một hạn chế, là ngay lần này, chúng em và các bạn chưa có kinh nghiệm đúng với yêu cầu của nhà tuyển dụng” – một SV năm IV, khoa Xây dựng cầu đường chân thành cho biết.

 alt

CTCP Xây dựng địa ốc Hòa Bình dành tặng 5 suất học bổng cho các bạn SV ĐH Bách khoa.

alt

Lãnh đạo Đại học Đà Nẵng và Nhà trường tri ân các Nhà tài trợ chính: CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG VÀ KINH DOANH ĐỊA ỐC HÒA BÌNH ; CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG COTECCONS; và …


Theo TS Nguyễn Văn Đông, trong suốt chặng đường phát triển, ĐH Bách khoa–ĐH vùng ĐN- luôn nhận được sự hỗ trợ, phối hợp của các doanh nghiệp trong công tác hỗ trợ tạo cơ hội thực tập, thậm chí nhiều doanh nghiệp rất tích cực tham gia vào quy trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho SV. Công tác tổ chức DUT Job Fair thành công, cũng nhờ vào sự quan tâm và sẵn lòng chia sẻ từ doanh nghiệp.

Phòng Công tác SV của trường cũng thường xuyên khảo sát, thực tế, có một số ngành đòi hỏi người lao động phải có kinh nghiệm là đúng với tính chất, đặc thù. Do vậy, Phòng cũng đã chủ động tham mưu cho Ban Giám hiệu, các Phòng, ban chức năng tiếp tục đẩy mạnh và gìn giữ mối quan hệ tốt với các doanh nhân, doanh nghiệp. 

Làm sao để tạo những điều kiện thuận lợi ngày một tốt hơn, giúp SV tiếp cận càng nhiều và càng sâu với doanh nghiệp, với thực tiễn hoạt động sản xuất, dịch vụ. Nhất là tạo điều kiện thuận lợi để nhiều lượt SV tham quan thực tế. Bên cạnh đó, xây dựng những chuyên đề về phát triển kỹ năng cho người học và mời đại diện các doanh nghiệp đến trình bày. Có như vậy, người học dần quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp ở các doanh nghiệp.

...Công ty THACO Trường Hải (Khu KTM Chu Lai-Quảng Nam

alt

 

Được biết, hàng năm, có gần 3.000 SV các ngành của ĐH Bách khoa (ĐH vùng Đà Nẵng) tốt nghiệp ra trường. Theo khảo sát của Nhà trường, sau thời gian khoảng 1 năm thì các tân kỹ sư và cử nhân đều tìm được việc làm ổn định. Một bộ phận không nhỏ SV có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi và tận tụy, trách nhiệm trong công việc, đã từng bước có đóng góp tốt  trong thực tiễn hoạt động của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Nhiều SV tốt nghiệp từ Nhà trường, đã đóng góp một phần không nhỏ cho nguồn nhân lực trình độ cao theo nhu cầu, và giữ cương vị quản lý, điều hành.

Lắng nghe, đón nhận mọi phản hồi từ doanh nghiệp-Mời đại diện doanh nghiệp trực tiếp tham gia giảng dạy

 alt

Các em SV được cán bộ nhân sự doanh nghiệp hướng dẫn rất tận tình.

Để có được kết quả nói trên, Phòng Công tác SV cùng Trung tâm Hỗ trợ SV và  Quan hệ doanh nghiệp đã thường xuyên tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu nguồn nhân lực đối với các ngành nghề mà Trường đang đào tạo; ghi nhận và phân tích thông tin phản hồi của các đơn vị sử dụng lao động về chất lượng đào tạo, khả năng đáp ứng công việc của SV sau khi ra trường. Không chỉ tiếp nhận suông những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, bộ phận xử lý thông tin phải phối hợp với các đơn vị chức năng của Nhà trường tiến hành cập nhật các góp ý.

“Có những nội dung, chúng tôi đã trình Ban Giám hiệu, đề đạt yêu cầu phải cải tiến chương trình đào tạo cho phù hợp hơn với nhu cầu thực tế; phải tiếp cận công nghệ, đưa phương pháp mới lồng ghép các nội dung tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chương trình giảng dạy; nâng cao chất lượng giờ và thời gian thực hành, thực tế của SV” – TS Nguyễn Văn Đông cho biết thêm.

“Chúng em mong Phòng Công tác SV, Trung tâm Hỗ trợ SV thường xuyên nắm bắt thông tin về yêu cầu của doanh nghiệp trong tuyển dụng, một phần phổ biến cho chúng em biết để chúng em có sự chuẩn bị tự thân; một phần điều chỉnh nội dung chương trình.

Chúng em thấy hiện tại các môn học đại cương còn khá nhiều, và nhiều môn không có sự liên quan đến chuyên ngành…Nên lược bớt thời lượng một số môn đại cương để tăng thời gian thực hành và làm quen với môi trường thực tế đối với công việc là tương lai chúng em sẽ làm.

Em có đến một số gian tuyển dụng tại DUT Job Fair 2016, và em nhận thấy các cô chú phụ trách về nhân sự, hỏi rất nhiều đến kỹ năng mềm. Có khi lại hỏi về gia cảnh, quan hệ, nhân thân để tổng hợp lại, đánh giá chúng em có phù hợp với yêu cầu tuyển lao động hay không ?....Em cho rằng, Ngày hội việc làm có ý nghĩa riêng của nó. Không phải ai đến đây cũng nhất định sẽ được tuyển, mà đến để biết mình còn yếu cái gì, cái gì làm mình không phù hợp….Mong Nhà trường giúp chúng em khắc phục các điểm yếu của bản thân để thích nghi hơn.Tự thân chúng em cũng sẽ phải cố gắng nhiều hơn !” – một SV đến từ khoa Điện tử-Viễn thông chia sẻ với chúng tôi.

“Thời gian đến, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì thường xuyên kênh liên lạc, kết nối với cộng đồng doanh nghiệp nhằm phát triển mối quan hệ hợp tác “giữa Nhà trường với Nhà tuyển dụng-với Doanh nghiệp” bền vững và lên một tầm cao mới.

Trong đó, có việc tìm, giới thiệu các chuyên gia đang làm việc tại doanh nghiệp đến tham gia giảng dạy tại Trường. Điều này sẽ giúp SV có sự liên hệ sâu sát và sinh động giữa lý thuyết với thực tiễn, các em cũng sẽ nhận ra: doanh nghiệp sẽ cần gì ở chính mình ? ở vị trí công việc đó, đâu là ứng viên phù hợp” – TS Nguyễn Văn Đông nhấn mạnh.

 alt

Mạnh dạn tìm hiểu cơ hội sang làm việc tại thị trường lao động Nhật bản.

GS.TS Lê Kim Hùng cho biết, ông nhìn nhận vấn đề trên như sau: Mỗi SV khi bước chân vào giảng đường ĐH đều mong muốn đạt được tấm bằng và có cơ hội làm việc theo ngành nghề mình yêu thích. Còn đối với doanh nghiệp, nguồn nhân lực luôn là yếu tố quan trọng, mang tính quyết định cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. 

Năm 2016 này được xem là năm quan trọng của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, với việc ký kết hiệp định TPP và sự mở cửa tự do trong khu vực Đông Nam Á về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và nhất là sự di chuyển tự do của thị trường lao động, các vị trí việc làm dành cho các bạn SV rồi sẽ mang tính cạnh tranh cao. Kèm theo đó, là sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các công ty–doanh nghiệp trên nhiều mặt cũng sẽ có tác động trực tiếp đến nguồn nhân lực.

Và trong bối cảnh hội nhập này, hơn lúc nào hết, chúng tôi quyết liệt điều chỉnh chương trình đào tạo, chú trọng hơn ngoại ngữ và kỹ năng, để nâng cao chất lượng đào tạo, giúp SV của mình sớm có việc làm ổn định và có đóng góp cho xã hội. Rõ ràng, trách nhiệm của Nhà trường, đang nặng dần thêm !

Uyển Nhi thực hiện