DHBK

Sinh viên làm trợ giảng

05/07/2015 15:36

Từ năm 2009, Trường Đại học (ĐH) Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) triển khai chương trình tuyển dụng các sinh viên (SV) xuất sắc đang theo học Chương trình tiên tiến ngành Điện tử Viễn thông (ECE) hoặc ngành Hệ thống Nhúng (ES) thuộc Trung tâm Xuất sắc của trường làm trợ giảng cho giảng viên trong chính chương trình đào tạo này. Mỗi năm có từ 15-20 SV đáp ứng được yêu cầu để làm trợ giảng (90% thuộc SV của Trung tâm Xuất sắc).

Nguyễn Tăng Thành trong một chuyến đến Nhật Bản giao lưu văn hóa, tham quan, tìm hiểu các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến. 
 Nguyễn Tăng Thành trong một chuyến đến Nhật Bản giao lưu văn hóa, tham quan, tìm hiểu các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến. 

Khi sinh viên đứng trên bục giảng

Ở Trường ĐH Bách khoa, trợ giảng có thể là các cán bộ trẻ hoặc SV. Dựa trên kết quả học tập và quá trình thể hiện ở từng môn học, một vài SV có kết quả học xuất sắc sẽ được các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy lựa chọn, sàng lọc và huấn luyện để làm trợ giảng. Chính nhờ lợi thế vừa học xong môn đó, các trợ giảng SV thường nắm rõ những điểm nào trong môn học dễ gây lúng túng, những bí quyết khi làm bài tập, cách hệ thống kiến thức để ôn tập,…

Nguyễn Tăng Thành, SV năm cuối lớp 10ECE, chuyên ngành Hệ thống số thuộc Trung tâm Xuất sắc, Trường ĐH Bách khoa bắt đầu công việc trợ giảng vào học kỳ 1 năm học thứ 2. Nhờ điểm tổng kết cao vượt trội (3,95/4) trong môn Toán cao cấp, Tăng Thành được PGS.TS Nguyễn Chánh Tú chọn làm trợ giảng ở chính môn học này cho sinh viên khóa sau. Nhiệm vụ chính của Thành là giảng bài tập về nhà của buổi học trước, hệ thống các chủ điểm lý thuyết trước khi thi và giải đáp các thắc mắc của SV có liên quan đến môn học.

Trường ĐH Bách khoa vốn nổi tiếng có số SV nam đông hơn SV nữ, vậy nên việc SV trợ giảng là nữ khá hiếm hoi cũng là một điều dễ hiểu. Nguyễn Thị Phương Thảo, SV năm 3 lớp 11ECE, chuyên ngành Hệ thống số là một trong những SV trợ giảng nữ hiếm hoi đó. Phương Thảo từng nhận được học bổng Nữ sinh kỹ thuật năm 2012, học bổng Vallet năm 2013 và 2014. Thảo cũng là cựu chủ nhiệm Câu lạc bộ tiếng Anh của SV Trường ĐH Bách Khoa.

Vào kỳ 1 năm học thứ 4 tại trường, Phương Thảo được PGS.TS Phạm Văn Tuấn chọn làm trợ giảng cho môn Lý thuyết mạch điện tử. Dù vẫn còn một năm nữa mới tốt nghiệp, đến nay cô SV này đã có kinh nghiệm làm trợ giảng cho 2 môn học. Kỳ vừa rồi, em lại tiếp tục được PGS.TS Nguyễn Chánh Tú chọn làm trợ giảng cho một môn Toán hàm số.

Một cách rèn luyện kiến thức và kĩ năng mềm hiệu quả

Đối với các trợ giảng SV, việc giúp các em SV khóa sau giải đáp thắc mắc, hệ thống lý thuyết và làm bài tập là một cách hiệu quả để ôn lại kiến thức cũ. Ngoài ra, đôi lúc trợ giảng phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa từ chính những SV của mình. Lúc đó, nếu không thể lập tức giải đáp tại lớp, trợ giảng có nhiệm vụ trao đổi với các thầy cô phụ trách chính bộ môn đó, hoặc tự tìm hiểu qua sách vở tham khảo để trả lời.

Tăng Thành chia sẻ về buổi đầu tiên “đứng lớp” của mình. Khi trách nhiệm được đặt lên vai, trong lòng Thành xen lẫn cảm giác tự hào và lo lắng. Những ngày trước buổi lên lớp đầu tiên, Thành chuẩn bị bài thật cặn kẽ, thậm chí còn đứng trước gương luyện nói. Tăng Thành xác định tâm lý ngay từ đầu rằng, với vai trò là một trợ giảng SV, bạn sẽ làm chỗ dựa cho các em khóa sau về những vấn đề khó khăn trong môn học, vì vậy nhiệm vụ của buổi đầu tiên sẽ không chỉ là giảng bài, mà còn là chia sẻ.

Còn đối với Phương Thảo, những lúc lớp không trật tự, học sinh mất tập trung chính là những lúc thử thách nhất. Kinh nghiệm xử lý những tình huống đó của Thảo là dừng giảng lại, hỏi SV vấn đề nào còn vướng mắc. Nếu các em nói chuyện riêng vì chưa hiểu bài giảng thì Phương Thảo sẽ “ra tay giúp đỡ”. Qua 2 kỳ làm trợ giảng, Thảo đã tự xây dựng cho mình những kỹ năng tổ chức tập thể, truyền đạt kiến thức. Từ một cô học trò vốn không thích nghề sư phạm, Thảo chia sẻ ước mơ trong tương lai sẽ trở thành một giảng viên thực thụ.

Quản lý thời gian là một vấn đề chung đối với các trợ giảng sinh viên. Làm thế nào để cân bằng được giữa thời gian học, làm trợ giảng, thời gian dành cho gia đình, bạn bè và thậm chí là các công việc làm thêm bên ngoài? Ngay từ lúc bước chân vào giảng đường đại học, Phương Thảo đã luyện cách làm việc theo thời gian biểu. Dù việc lớn hay việc nhỏ, Thảo đều tự đặt ra “hạn chót” cho mình. Còn Tăng Thành thì chia sẻ một cách giản dị, “càng bận thì càng quý thời gian, làm việc càng tập trung, càng hiệu quả”.

Sinh viên làm trợ giảng không phải là một hiện tượng mới

Ở các nước như Anh, Úc, Pháp,… các SV xuất sắc cũng được nhà trường tuyển chọn để hỗ trợ các giảng viên tham gia giảng dạy. Nguyễn Thế Trung, SV năm 3 ngành Kỹ sư phần mềm tại Trường ĐH Sydney, Úc hiện đang làm trợ giảng (tutor) môn Lập trình cơ bản (Introduction to Programming) cho SV năm 1 tại trường.

Việc làm trợ giảng ở đây được tuyển chọn dựa trên tiêu chí kết quả học tập và khả năng giao tiếp. Theo Thế Trung, công việc này không chỉ giúp bạn ôn lại kiến thức cũ, mà còn nâng cao khả năng thuyết trình và tính tự tin.

PGS.TS Phạm Văn Tuấn, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, Phó Giám đốc TT Xuất sắc, Trường ĐH Bách khoa cho biết, các SV được tuyển chọn rất cẩn thận trước khi nhận công việc trợ giảng.

Trong thời gian đến, Trường ĐH Bách khoa sẽ bắt đầu triển khai việc tìm trợ giảng SV cho các giáo sư nước ngoài. Dù công việc này chắc chắn sẽ khó khăn do những bất đồng văn hóa và ngôn ngữ, nhà trường vẫn sẽ mạnh dạn thử nghiệm. Theo thầy Tuấn, việc SV làm trợ giảng không chỉ củng cố và nâng cao kiến thức, kỹ năng cho SV mà còn tạo một môi trường làm thêm cho các em ngay trong chính giảng đường.