DHBK

The Wave Art Gallery – Đợt sóng lớn nơi biển cả và đất liền | Lacime Architects Beijing

02/11/2020 10:16

        Studio Lacime Architects có trụ sở tại Thượng Hải vừa hoàn thành một dự án nghệ thuật trên bờ biển Thiên Tân, Trung Quốc – The Wave Art Gallery. Công trình được ốp bằng hàng ngàn viên ngói nhôm với hình dạng như một đợt sóng khổng lồ.

The Wave Art Gallery | Lacime Architects Beijing

Thông tin dự án

  • Tên đầy đủ: The Wave Art Gallery (Bảo tàng nghệ thuật The Wave)
  • Đơn vị thiết kế: Lacime Architects Beijing
  • Địa điểm: Tân Hải, Thiên Tân, Trung Quốc
  • KTS chủ trì: Song Zhaofang
  • Đội ngũ thiết kế: Pan Xiaobo, Wu Shuguang, Ren Yue, Luo Jia, Liu Wenfeng, Feng Bo, Zhu Tianpeng, Wei Mengrou, Yang Dehe and Shen Chenyun
  • Kết cấu: Yuan Xin Engineering Consultant
  • Thiết kế cảnh quan: Tianjin Donglin Zhujing Landscape Planning and Design
  • Thiết kế nội thất: Shanghai Biyu Environmental Art Design Office
    Curtain wall design: Shanghai Hengli Construction Decoration Engineering
  • BIM: Beijing Interconnection Cube Technology Service
  • Nhiếp ảnh: CAAI

Thuyết minh 

        The Wave Art Gallery rộng 3563 m2, được thiết kế với mục đích trở thành trung tâm văn hóa lớn nhất trong khu vực Binhai New Area (Khu đô thị mới Tân Hải)

        “Toàn bộ tòa nhà là một làn sóng, như một yếu tố trong cuộc đối thoại giữa kiến trúc và thiên nhiên, minh chứng cho sự hội tụ giữa tinh hoa nơi đất liền và biển cả”. – Lacime Architects Beijing chia sẻ.

        “Trong không gian này, chúng tôi muốn con người, biển cả, không khí và ánh sáng mặt trời thiết lập nên một mối liên kết chặt chẽ hơn.”

        Về hình thức kiến trúc, KTS đã phát triển concept dựa trên hình ảnh sóng biển và yếu tố lãng mạn của nước, gợi lên một con sóng xô vào bờ. Công trình được coi như điểm nhấn bên bờ biển Bột Hải, cùng chất liệu mặt đứng dạng vảy mô tả một cách cường điệu hóa những gợn sóng.

        “Con sóng” được cách điệu với hình thức dạng chữ Y, khiến cho tòa nhà như bay lơ lửng so với mặt đất. Hệ thống chịu lực cơ bản cột – dầm không được sử dụng để hiệu ứng kiến trúc đạt được một cách tối đa nhất.

        Để làm được điều này. KTS đã áp dụng phương pháp kết cấu lõi bê tông trung tâm, được bao bọc bởi một mạng lưới giàn thép phức tạp. Phương pháp trên được tính toán và nghiên cứu rất chi tiết bởi Lacime Architects Beijing, vận dụng Công nghệ Thiết kế bằng Tham số (Parametric Architecture).

        Lớp vỏ bao che của công trình được tạo thành từ 13.000 miếng gạch nhôm và được thiết kế để phản chiếu ánh sáng theo nhiều hướng khác nhau tại nhiều thời điểm  khác nhau trong một ngày. Điều này minh họa vô cùng rõ nét đặc tính của sóng nước.

        Khi du khách tiếp cận bảo tàng bằng hướng trung tâm, họ sẽ bị thu hút bởi một không gian tràn ngập ánh sáng từ giếng trời. Tại đây KTS đồng thời bố trí hệ thống màn nước và các chi tiết bằng thép không gỉ trên các mảng tường – trần, mang đến một trải nghiệm tĩnh – động về thị giác và xúc giác.

        Tầng trệt của tòa nhà phục vụ các chức năng cơ bản như phòng họp, phòng tắm… Tầng hai đóng vai trò là không gian trưng bày chính, cùng với thư viện, quầy bar và khu vực hiên ngoài trời.

        Không gian nội thất tầng hai được décor ấn tượng: từ trần nhà được trang trí bằng vải, sàn đánh bóng cho tới đồ đạc dạng hình tròn và các tác phẩm điêu khắc giống như “bong bóng”. Lacime Architects coi đây là sự mô phỏng của nước ở các trạng thái khác nhau.

        Tầng hai còn được bao bọc bởi những tấm rèm lớn linh hoạt về kích thước, với hình thức uyển chuyển và chiều cao lên đến hơn 8m.

        KTS mang đến giải pháp “những bức tường rèm” để tối đa hóa ánh sáng tự nhiên và cung cấp cho du khách tầm nhìn ra biển cũng như sự kết nối với thiên nhiên – tạo ra sự tương phản rõ rệt với tầng trệt là một không gian kín.

        Các chức năng ngoài trời khác cũng được đầu tư kỹ lưỡng: các gian hàng dịch vụ, khu tiếp khách ngoài trời, khu vui chơi trẻ em và nhà hát. KTS mong muốn ngoài việc trải nghiệm các không gian trong nhà, thì việc hướng du khách đến với những “âm thanh của tự nhiên” cũng vô cùng quan trọng đối với một công trình có quy mô lớn.

Tin và bài: Khoa Kiến trúc  (Nguồn: Kienviet.net; Dezeen)