DHBK

Hợp tác giữa Đại học Đà Nẵng và Đại học Khoa học Ứng dụng Satakunta, Phần Lan

21/03/2012 13:07

Nhận lời mời của Hiệu trưởng và Giám đốc điều hành trưởng Đại học Khoa học ứng dụng Satakunta (tiếng Phần Lan viết tắt là SAMK: http://www.samk.fi), đoàn đại  biểu của Đại học Đà Nẵng do Giám đốc Trần Văn Nam dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại Phần Lan trong hai ngày 19 và 20/3/2012.

SAMK là một trong những đại học khoa học ứng dụng hàng đầu của Phần Lan. Trường có hai Campus chính, một tại thành phố Pori và một tại thành phố Rauma. Campus tại Pori đào tạo các ngành kỹ thuật, quản lý dự án và quản lý kinh tế, kinh doanh, du lịch dịch vụ, điều dưỡng, xã hội và văn hoá tương tự như những ngành của trường Đại học Bách khoa, trường Đại học Kinh tế, Khoa Y Dược và trường Đại học Sư phạm của ĐH Đà Nẵng. Campus thứ hai nằm ở thành phố Rauma, nơi có cảng biển và xưởng đóng tàu nổi tiếng của Phần Lan, đào tạo các ngành Quản lý hàng hải. Chính tại Campus này, SAMK phát huy thế mạnh về Kỹ thuật Tàu thuỷ và Đào tạo hàng hải với truyền thống trên 130 năm.

Là một trường đại học khoa học ứng dụng, SAMK có quan hệ hợp tác với doanh nghiệp rất hiệu quả, thực hiện nhiều dự án RDI (Research, Development and Innovation) giúp sinh viên khởi tạo và phát triển doanh nghiệp. Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, hiện nay SAMK đã phát triển hơn 140 chương trình liên kết với các trường đại học và viện nghiên cứu trên thế giới.

 

Đại học SAMK quan hệ hợp tác với 140 đại học, viện nghiên cứu trên thế giới

Ngày 19/3, đoàn đại biểu Đại học Đà Nẵng có buổi họp với đại diện cấp cao của SAMK và tham quan cơ sở của trường tại thành phố Pori. GS Seppo Pynna, Hiệu trưởng; TS Jari Heiniluoma, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế;  TS Sirpa Sandelin, Trưởng phòng Đào tạo; TS Ari Pekka Kainu, Trưởng phòng Phát triển; TS Kali Laine, Trưởng phòng Nghiên cứu cùng lãnh đạo các đơn vị, các Khoa đã tham dự và báo cáo về các chương trình đào tạo, các hoạt động nghiên cứu, kinh nghiệm đưa hoạt động nghiên cứu của sinh viên vào chương trình đào tạo, kinh nghiệm hỗ trợ sinh viên nghiên cứu và phát triển khả năng sáng tạo. Hai bên cũng thảo luận về  khả năng phát triển các chương trình hợp tác và xây dựng dự án chung của hai đại học. 

Kết thúc buổi họp, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học ứng dụng Satakunta Seppo Pynna và Giám đốc Đại học Đà Nẵng Trần Văn Nam đã ký kết văn bản hợp tác giữa hai đại học. Theo văn bản, hai bên thoả thuận triển khai các nội dung như sau:

 


Giám đốc Trần Văn Nam và Hiệu trưởng Seppo Pynna ký kết văn bản hợp tác

- Công nhận chương trình học và trao đổi sinh viên  theo học kỳ hoặc năm học;

- Trao đổi sinh viên tham gia thực tập tại các công ty và học các chương trình phát triển kỹ năng nghề nghiệp;

- Trao đổi giảng viên giảng dạy trong một thời gian ngắn hạn (2 tuần) hoặc bồi dưỡng kỹ năng giảng dạy và quản lý;

- Hợp tác nghiên cứu và phát triển;

- Hợp tác phát triển các chương trình đào tạo bằng kép, liên kết đào tạo online, phát triển đề tài nghiên cứu cho sinh viên;

- Thực hiện các dự án nghiên cứu phát triển chung, hợp tác với các doanh nghiệp Phần Lan – trong đó có Nokia;

- Xuất bản và công bố các công trình khoa học chung;

- Trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng và kiểm định chương trình đào tạo.

Trong thời gian đầu, chương trình trao đổi sinh viên và giảng viên tập trung vào các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh tại các trường ĐH Bách khoa và ĐH Kinh tế. Chương trình hợp tác này giúp sinh viên các chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao có thể học chuyển tiếp 2+2, hoặc học lên thạc sĩ tại SAMK. Về nghiên cứu, một số lĩnh vực về công nghệ thông tin, điện tử y sinh, quản lý dự án, năng lượng và môi trường, khởi sự doanh nghiệp sẽ được ưu tiên phát triển trong giai đoạn đầu.

Điểm nổi bật trong thoả thuận, đó là, hai bên đã dành nhiều thời gian thảo luận và cam kết cùng xây dựng dự án “Trung tâm đào tạo hàng hải” tại Đại học Đà Nẵng. Đây là một dự án lớn dựa trên thế mạnh của SAMK và xuất phát từ nhu cầu phát triển hàng hải và kinh tế biển tại Miền Trung Việt Nam cũng như điều kiện thuận lợi của Đại học Đà Nẵng. Kinh phí cho dự án sẽ được xin từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Phần Lan.

 Tham quan cơ sở thực tập kỹ thuật tàu thuỷ và hệ thống mô phỏng hàng hải

Ngày 20/3, đoàn ĐH Đà Nẵng đến thăm cơ sở hai của SAMK tại thành phố cảng Rauma. Đoàn được Giám đốc điều hành TS Juha Kamari và Thuyền trưởng kiêm Giám đốc đào tạo hàng hải Heikki Koivisto hướng dẫn tham quan các Phòng thí nghiệm với các trang thiết bị hiện đại, cơ sở học tập nghiên cứu và các vườn ươm doanh nghiệp. Với truyền thống đào tạo hàng hải trên 130 năm, cơ sở Rauma có nhiều quan hệ và đóng góp cho sự phát triển của nền công nghiệp cho khu vực. Đoàn đã nghiên cứu kỹ  các hệ thống mô phỏng hiện đại của ngành hàng hải, hoạt động của tàu thuyền trên đại dương, trong đó có cả hệ thống mô phỏng vùng biển và cảng Đà Nẵng. Đoàn cũng được SAMK đưa đến thăm các hệ thống cảng biển, bãi container và xưởng đóng tàu hàng đầu của châu Âu  tại Rauma. Tại đây, đoàn được Giám đốc công trình của Công ty giới thiệu quy trình đóng tàu có kích cỡ trên 220 m và tham quan các công đoạn đóng tàu.

Trong quá trình thực hiện đổi mới hoạt động quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, kiểm định chương trình, đánh giá giảng viên, đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội,… Đại học Đà Nẵng tích cực tăng cường các hoạt động học tập, trao đổi kinh nghiệm thực tế với các đối tác quốc tế. Những bài học sinh động qua các buổi trao đổi và tham quan thực tế tại trường Đại học Khoa học ứng dụng Satakunta đã góp phần nâng cao nhận thức của đoàn trong lĩnh vực quản lý và điều chỉnh chương trình giảng dạy nhằm đáp ứng các mục tiêu nói trên. Chuyến đi của đoàn cũng tạo tiền đề cho việc phát triển các chương trình hợp tác, tạo cơ hội để sinh viên và giảng viên Đại học Đà Nẵng được tiếp nhận sang học tập, nghiên cứu và giảng dạy tại Phần Lan. Chuyến đi của đoàn cũng là bước triển khai xây dựng dự án "Hợp tác xây dựng Trung tâm đào tạo hàng hải" tại Đại học Đà Nẵng.