DHBK

Đại học Đà Nẵng: Chú trọng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm là tiêu chí, thước đo hiệu quả đào tạo và khẳng định giá trị học hiệu

02/10/2020 15:57

Đảm bảo tỷ lệ sinh viên (SV) tốt nghiệp có việc làm cao, phù hợp với ngành nghề được đào tạo là mục tiêu xuyên suốt luôn được Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) coi trọng, nhờ đó bám sát, đáp ứng được nguyện vọng của người học, nhu cầu nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp và cộng đồng. Điều này lý giải ĐHĐN luôn được lựa chọn, tin tưởng qua mỗi mùa tuyển sinh.


ĐHĐN luôn được tin tưởng, lựa chọn qua mỗi mùa tuyển sinh
 

Tỷ lệ SV có việc làm được các trường ĐH thành viên, đơn vị đào tạo trực thuộc của ĐHĐN chú trọng khảo sát, đánh giá đủ độ tin cậy để là một trong những tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục mà kết quả đạt được trong những năm gần đây (bình quân trên 90% SV có việc làm sau khi tốt nghiệp từ 06-12 tháng) đã góp phần khẳng định uy tín, chất lượng quốc tế của học hiệu ĐHĐN:

Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN nằm trong top 04 trường ĐH đầu tiên của Việt Nam được công nhận đạt chuẩn chất lượng quốc tế (theo chuẩn HCERES-Châu Âu, giai đoạn 2017-2022); 04 trường ĐH thành viên của ĐHĐN đều đạt chuẩn chất lượng quốc gia (từ năm 2016); 20 chương trình đào tạo (CTĐT) được kiểm định, đạt chuẩn chất lượng quốc tế (theo chuẩn CTI-Châu Âu và AUN-QA-Đông Nam Á)…


Uy tín, chất lượng quốc tế của ĐHĐN luôn được khẳng định, đánh giá cao 

Đảm bảo chất lượng đầu vào

Theo ngưỡng điểm nhận đăng ký xét tuyển (điểm sàn xét tuyển) dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2020 vào các trường đại học thành viên, đơn vị đào tạo trực thuộc của ĐHĐN, điểm sàn xét tuyển phần lớn các ngành đều tăng (bình quân tăng từ 01-03 điểm so với năm 2019) cho thấy yếu tố chất lượng “đầu vào” năm nay tiếp tục được coi trọng.

Năm 2020, ĐHĐN tiếp tục có nhiều phương thức xét tuyển (tuyển thẳng, xét học bạ, theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả kỳ thi đánh giá năng lực) linh hoạt, mềm dẻo, đem lại nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề và trúng tuyển cho thí sinh .


Có đủ ngành nghề đào tạo đáp ứng thị trường lao động và nguyện vọng người học 

Các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên và nhóm ngành sức khỏe đều tuân thủ đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về điểm sàn xét tuyển.

Một khi chất lượng tuyển sinh đầu vào được đảm bảo sẽ là yếu tố căn bản để thực hiện chiến lược: “Nâng cao chất lượng, uy tín quốc tế, đảm bảo lợi ích của người học và phục vụ cộng đồng” là mục tiêu xuyên suốt để hội nhập và phát triển bền vững.


Các hoạt động hướng nghiệp & tuyển dụng luôn thu hút đông SV và doanh nghiệp 

Chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp và thị trường lao động

Một sự kiện ghi dấu ấn khẳng định uy tín của ĐHĐN khi lần đầu tiên ngay trước mùa tuyển sinh 2020,  Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN đăng cai Lễ ký kết Công bố phát triển các CTĐT kỹ sư cùng 06 trường ĐH kỹ thuật hàng đầu Việt Nam cùng thống nhất những nguyên tắc chung, chuẩn đầu vào, đầu ra trong các CTĐT Kỹ sư phù hợp với Khung trình độ Quốc gia Việt Nam để nâng cao sức cạnh tranh, hội nhập trên thị trường lao động khu vực và quốc tế. Xem thêm tin tại đây


Ký kết Công bố phát triển CTĐT Kỹ sư của 07 trường ĐH kỹ thuật hàng đầu VN 

“Việc xây dựng tiêu chuẩn chung cho các CTĐT Kỹ sư không chỉ có ý nghĩa khẳng định giá trị, chuẩn hóa văn bằng Kỹ sư truyền thống mà còn giúp các doanh nghiệp tiếp cận, thụ hưởng nguồn nhân lực chất lượng cao; Người học được cung cấp các CTĐT có chất lượng, được kiểm định, đối sánh ngang tầm khu vực và quốc tế, nhờ đó gia tăng đáng kể cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp." PGS.TS. Đoàn Quang Vinh-Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN chia sẻ.


Hợp tác Nhà trường-Doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực CNTT trong kỷ nguyên số 

Tăng cường năng lực thực tế, kỹ năng mềm cho SV "thực học-vững nghiệp"

Đề án tuyển sinh của ĐHĐN và các chỉ số công khai, minh bạch với xã hội về tỷ lệ SV có việc làm thể hiện trách nhiệm của Nhà trường và xã hội, giúp các thí sinh, phụ huynh tham khảo, nắm bắt xu hướng thị trường lao động đối với các ngành nghề, từ đó có lựa chọn phù hợp đồng thời SV cũng được tiếp thêm động lực để có động cơ, thái độ học tập đúng đắn, chủ động tích lũy kiến thức, kỹ năng và trau dồi phẩm chất, thái độ tích cực để đạt các chuẩn đầu ra theo phương châm “thực học-vững nghiệp”.


Phát triển năng lực, tư duy và phương pháp học tập chủ động, sáng tạo cho SV

Theo phương châm này, các trường ĐH thành viên, đơn vị đào tạo trực thuộc của ĐHĐN đã đổi mới mạnh mẽ từ mục tiêu (chuyển từ cung cấp kiến thức sang phát triển năng lực, tư duy, phương pháp sáng tạo, chủ động cho SV thích ứng với "chuyển động" của Cách mạng công nghiệp 4.0 và kỷ nguyên số), phương pháp dạy-học (phối hợp với các doanh nghiệp từ khâu xây dựng, góp ý, phản biện CTĐT đến đồng hành với Nhà trường tạo nhiều cơ hội thực hành-thí nghiệm, thực tập cho SV), tăng cường kỹ năng tin học, ngoại ngữ và kỹ năng mềm cho SV...


03 năm liền giải Nhất Cuộc thi EPICS SV với Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng

Theo TS. Nguyễn Thị Anh Thư-Phó Trưởng khoa Khoa Công nghệ tiên tiến (FAST), Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN, trong giai đoạn phòng, chống Covid-19, bắt kịp xu thế chung trong kỷ nguyên số, Khoa FAST luôn hỗ trợ, khuyến khích thầy và trò áp dụng các phương thức dạy-học, tương tác trực tuyến, làm đồ án “capstone”.

SV thực hiện đề tài theo nhóm, xuất phát từ nhu cầu doanh nghiệp, được đồng hướng dẫn bởi các chuyên gia đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp uy tín và giảng viên... Các em bảo vệ đề tài trước Hội đồng có sự tham gia của doanh nghiệp, kiến thức có sự gắn kết liên ngành. Các CTĐT được thiết kế dựa trên các phương pháp dạy-học tiên tiến như CDIO, PBL (Projects Based Learning-Học theo dự án)…  


Các phương pháp dạy-học tiên tiến giúp SV tiếp cận doanh nghiệp, gia tăng cơ hội việc làm

Khi nhận thức của người học, cộng đồng ngày càng hướng đến mục tiêu SV tốt nghiệp có việc làm; các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng ngày càng coi trọng nguồn nhân lực thì việc các trường ĐH thành viên, đơn vị đào tạo trực thuộc chú trọng tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm, đảm bảo xuyên suốt chất lượng từ khâu tuyển sinh đầu vào đến đáp ứng chuẩn đầu ra sẽ thực sự là "thước đo" hiệu quả đào tạo, góp phần nâng cao giá trị học hiệu, sức hút của ĐHĐN.  

Tin Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN