DHBK

Cơ hội để các trường ĐH, CĐ tăng tính chủ động trong công tác tuyển sinh

15/02/2016 02:18

Nhận xét về phương án tổ chức thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016, GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng - nhận định: Đã có những điều chỉnh theo nguyên tắc phát huy những điểm tốt của năm 2015 và điều chỉnh những bất cập để thuận lợi cho thí sinh nhất. 

Trao đổi với GD&TĐ, GS.TS Trần Văn Nam phân tích:

Tôi cho rằng, phương án tổ chức thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016 đã thay đổi theo nguyên tắc phát huy những điểm tốt của năm 2015 và điều chỉnh những bất cập để thuận lợi cho thí sinh nhất, giúp cho các em yên tâm ôn tập tốt, có tâm lý thoải mái nhất.

Trong đó, tăng cụm thi, tăng sự phối hợp giữa Sở GD&ĐT và trường ĐH trong việc coi thi, chấm thi ở 2 cụm thi, việc công bố kết quả thi, tăng số trường đăng ký, tăng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), tăng quyền chủ động cho các trường ĐH, CĐ… Nhưng sẽ giảm thời gian đăng ký, nguyện vọng….

alt

GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng

Đặc biệt là cho mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển (ĐKXT) tối đa hai trường, mỗi trường tối đa hai ngành đào tạo sẽ giúp thí sinh có cơ hội lựa chọn ngành học yêu thích ở hai trường khác nhau. Như vậy, thí sinh có thể lựa chọn được nghề nghiệp yêu thích chứ không chỉ chọn chỗ học.

Nhìn chung, việc thay đổi (“tăng”, “giảm”) một số nội dung trong tổ chức thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016 là hợp lý và theo hướng có lợi cho thí sinh, cả trong việc dự thi và xét tuyển. Việc tăng cường ứng dụng CNTT vào công tác thi, xét tuyển là hoàn toàn phù hợp trong điều kiện năng lực và xu thế hiện nay.

Chúng ta có thể ứng dụng ĐKXT hoàn toàn bằng trực tuyến để có thể rút ngắn thời gian xét tuyển. Thực tế cho thấy năm 2015 ĐH Đà Nẵng đã tổ chức ứng dụng phần mềm tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và kết hợp đăng ký qua mạng đã có kết quả rất tốt.

- Với việc mỗi thí sinh sẽ được đăng ký xét tuyển vào tối đa hai trường trong một đợt xét tuyển, GS có những đề xuất kỹ thuật gì để công tác tuyển sinh được thuận lợi?

Việc quy định thí sinh được đăng ký vào hai trường trong đợt xét tuyển đầu tiên, ba trường trong các đợt xét tuyển tiếp theo chắc chắn sẽ gây nên tình trạng thí sinh trúng tuyển ảo. Các trường có thể sẽ gọi số lượng thí sinh trúng tuyển vượt chỉ tiêu để dự phòng, gọi bổ sung nhiều đợt, ngay cả trường thuộc top trên.

Về phía thí sinh, thí sinh giỏi, khá sẽ có cơ hội trúng tuyển nhiều trường để lựa chọn như hình thức tuyển sinh “3 chung” trước đây. Tuy nhiên, đối với thí sinh có điểm thi thuộc top giữa và dưới sẽ khó khăn hơn trong việc chọn trường, chọn ngành vừa sức. Việc tuyển sinh có thể sẽ kéo dài qua nhiều đợt xét tuyển bổ sung. Tôi muốn đề xuất một số giải pháp để công tác tuyển sinh được thuận lợi như sau:

- Chỉ cho phép thí sinh đăng ký trực tuyến ở tất cả các đợt xét tuyển, tránh tình trạng gửi hồ sơ ĐKXT qua đường bưu điện gây ra tình trạng hồ sơ đến chậm, thất lạc hồ sơ hoặc cán bộ tuyển sinh nhập hồ sơ sai. Thí sinh đăng ký trực tuyến và chịu trách nhiệm về tính chính xác thông tin đã khai báo.

- Sau khi có kết quả trúng tuyển, trong khoảng thời gian ngắn theo quy định (đề xuất 3 ngày), thí sinh phải chọn trường học và xác nhận vào hệ thống để các trường có thể chủ động trong việc xét tuyển bổ sung. Cần có cơ sở dữ liệu chung để các định tình trạng trúng tuyển và chọn trường của thí sinh.

- Không nên quy định điểm chuẩn đợt xét tuyển sau phải lớn hơn hoặc bằng điểm chuẩn đợt trước. Quy định này gây khó khăn cho cả các trường ĐH và thí sinh khi xét tuyển.

- Do thí sinh không được thay đổi nguyện vọng ĐKXT, cần bỏ quy định bắt buộc các trường công bố số lượng thí sinh đăng ký dự thi, điểm chuẩn dự kiến trong quá trình xét tuyển để đảm bảo tính công bằng cho các thí sinh đăng ký trước.

- Thay đổi lớn nhất trong cách thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm nay là tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều sẽ có cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ do trường ĐH chủ trì. Việc di chuyển cán bộ coi thi sẽ giúp ổn định tâm lý cho thí sinh, phụ huynh - học sinh cũng đỡ tốn kém chi phí đi lại, ăn ở. Vậy trường ĐH chủ trì sẽ phát sinh những vấn đề gì trong công tác tổ chức, thưa ông?

Hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành trực thuộc trung ương đều có các trường ĐH nên nếu Bộ GD&ĐT chủ trương giao cho các trường ĐH trên địa bàn địa phương chủ trì cụm thi ĐH thì gần như cán bộ coi thi, chấm thi không phải di chuyển ra ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, tâm lý tổ chức thi trong nội bộ địa phương dễ dẫn đến tình trạng nhẹ tay, nâng đỡ con em địa phương trong việc coi thi, chấm thi, thí sinh dễ chủ quan, ỷ lại vì thi tại tỉnh nhà.

Do đó, đối với các địa phương không có trường ĐH có kinh nghiệm trong việc tổ chức một kỳ thi quốc gia với quy mô lớn thì cần điều động một trường ĐH uy tín đến chủ trì cụm thi như đã từng thực hiện tốt trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Đối với các địa phương khác có trường ĐH đủ sức tổ chức thi cũng cần đến sự tham gia của các trường ĐH khác trong Hội đồng thi, Ban coi thi, Ban chấm thi và đoàn thanh tra…

Chúng ta đang tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia cho hai mục đích: Xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Do hai mục đích này khác nhau nên cần tìm một phương án tổ chức thi tốt nhất đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Những điều chỉnh trên đây sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh trong việc dự thi THPT một cách nghiêm túc, đúng quy chế và xét tuyển thí sinh có chất lượng vào ĐH, CĐ. Đây cũng là dịp để các trường ĐH, CĐ tăng cường tính chủ động trong công tác tuyển sinh và đào tạo của nhà trường.

Hà Nguyên – giaoducthoidai.vn