DHBK

Khoa Cơ khí Giao thông - Ngày trở lại

02/04/2019 08:57

BỐN MƯƠI NĂM - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG

(*) Nhớ về Khoa Cơ khí Động lực, Trường ĐHBK Đà Nẵng - nay là Khoa Cơ khí Giao thông - Trường ĐHBK Đà Nẵng- ĐH Đà Nẵng                                              

Thời gian trôi nhanh quá

Quân ta còn nhanh hơn

Ta vin cành xuân ấy

Khi mùa đông đang còn

                 (Chế Lan Viên)

Đúng là thời gian trôi nhanh thật, thoáng chốc, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng của chúng ta, kể từ ngày thành lập đến nay, đã bốn mươi năm - bằng thời gian thống nhất Tổ quốc. Cũng thời gian đó, nhiều nước châu Á đã trở thành những con Rồng kinh tế: Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, chưa nói đến Nhật Bản - làm thế giới thán phục. Một trong những nguyên nhân đưa đến thành công của họ chính là con người, là nền khoa học công nghệ tiên tiến, nắm bắt xu thế của thời đại, tiến cùng thời đại.

Trong bối cảnh đó, dĩ nhiên nền giáo dục đóng một vai trò hết sức quan trọng. Tất nhiên, chúng ta hiểu, việc thành lập Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng ngay sau khi đất nước vừa mới giải phóng phản ánh tầm nhìn xa rộng của Đảng và Nhà nước ta. Với sự phát triển mạnh mẽ, vượt bậc của Trường trong thời gian qua cũng như ngày nay, chúng ta càng thấy tầm nhìn đó là hoàn toàn đúng đắn. 

Càng đến gần ngày kỷ niệm 40 năm thành lập Trường, tôi càng  nhớ lại thời khắc mình được nhận Giấy báo trúng tuyển vào ngành Cơ khí Động lực thuộc Khoa Năng lượng (nay là Khoa Cơ khí Giao thông) Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng năm 1991 (khóa 91N1). Một cảm xúc vui sướng, vỡ òa trong tôi, bởi vì từ đây, tôi là sinh viên ngành Cơ Khí Động lực - Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng - một trong những Trường Đại học lớn nhất đất nước.

Gần 20 năm ra trường, nay nhìn lại quá trình phát triển, sự lớn mạnh của Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng nói chung, của Khoa Cơ khí Giao thông nói riêng so với các trường ở khu vực miền Trung và cả nước thật tự hào: Bộ môn Động lực ra đời, suốt 40 năm hình thành và phát triển và đã đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận: quy mô đào tạo ngày càng được mở rộng, chất lượng luôn được giữ vững và ngày một nâng cao. Đến nay, khoa đã đào tạo được hơn 5000 cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học và trên đại học. Trong số các cựu sinh viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học tốt nghiệp từ ngành Cơ khí Động lực và Kỹ thuật Tàu thủy, có nhiều cá nhân vươn lên thành những nhà khoa học, doanh nhân, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan, ban ngành các cấp.

Trong không khí chuẩn bị Hướng về Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng (1975-2015) và chào mừng 10 năm thành lập khoa Cơ khí Giao thông (2005-2015), là dịp để mỗi sinh viên ôn lại những kỷ niệm, ký ức  trong sáng nhất cuộc đời, nơi được rèn luyện nên nghề, nên người,….Giờ đây, cảm xúc xen lẫn kỷ niệm xưa ùa về và những suy nghĩ thực tại.

            Đó là niềm tự hào được bước chân vào giảng đường Đại học, đặc biệt được học Ngành Cơ khí Động lực, bởi đây là ngành học khó nhất và ngành có nhiều thầy cô giỏi nhất (như Thầy: GS.TSKH.Bùi Văn Ga – hiện là Thứ trưởng Bộ GD & ĐT, GS.TS. Trần Văn Nam- hiện là Giám đốc ĐH Đà Nẵng, NGUT.Nguyễn Ngọc Diệp, PGS.TS Dương Việt Dũng – hiện là trưởng Khoa CKGT và nhiều thầy cô giáo hiện đã là PSG,TS, trưởng, phó các phòng ban của ĐHBK và ĐHĐN, ……). Sự nghiêm khắc của các thầy cô với sinh viên ngày ấy và bây giờ là mục tiêu tạo áp lực cho sinh viên học tập, chỉ có áp lực mới tạo nỗ lực. Có nỗ lực, sẽ có đam mê, ý chí để vượt qua thử thách, khó khăn, thực hiện hoài bão, ước mơ, tiếp thu những môn học cực kỳ lý thú của ngành để sau này vận dụng tư duy làm việc.

            Về với trường, chúng ta sẽ thấy ấm áp hơn bởi sự quan tâm của các thầy cô vì cả cuộc đời luôn âm thầm theo dõi từng bước đi của chúng ta, niềm vui của các thầy cô khi hay tin học trò mình thành đạt nhưng cũng buồn và lo lắng khi biết học trò mình gặp những thất bại, khó khăn.

            Về với trường, được truyền thêm nguồn động viên, kiến thức, hun đúc ý chí “học nữa, học mãi” vì thế sau nhiều năm ra trường, nhiều cựu sinh viên đã quay lại trường  tiếp tục học Sau đại học để đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng cao,…Từ bao đời vẫn thế! những nhà giáo cứ thầm lặng cho mãi hết thế hệ này, đến thế hệ khác mà không bao giờ đòi hỏi gì ở các học trò mình. Thực tế không ít sinh viên ra trường thành đạt trong cuộc sống mà đã quên đi “cái nôi” nuôi ta trưởng thành. Nay mai, có khi thế hệ tôi có người quay lại trường cũ, không những không gặp được bạn cũ, mà thầy cô cũ cũng không còn- người về hưu, người đã qua đời, người lưu lạc góc bể.

            Về với trường, được chuyện trò với các thầy cô, càng thấy trong mọi hoàn cảnh, các thầy cô giáo vẫn điềm đạm, nói năng mực thước, từ tốn, mô phạm. Luôn tạo cho học trò niềm tin cố gắng học tập, vượt khó, vươn lên.

            Thế giới ngày nay đã thay đổi rất nhiều. Với sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ, vấn đề đặt ra là phải tận dụng, nắm bắt, phát triển những thành quả đó của nhân loại. Đất nước ta đang đứng trước những vận hội mới, thời cơ mới và thách thức mới. Để hoàn thành mục tiêu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì giáo dục, khoa học là quốc sách hàng đầu, là tương lai dân tộc. Hệ thống các Trường Đại học chắc chắn đóng vai trò to lớn, trong đó có Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng của chúng ta.

            Có bay lên trời rồi cũng trở về trái đất. Dẫu có đi cùng thế giới rồi ta cũng trở về với ngôi trường thân yêu của mình - Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

            Cảm xúc hôm nay, tôi không thể nào nói hết, thể hiện hết, bày tỏ hết.

            Và tôi xin kết thúc bằng hai câu thơ "tập Kiều":

            Trường tôi nghĩa nặng tình cao

            Bốn mươi năm ấy biết bao nhiêu tình

            Thế giới còn đổi thay, song những hình ảnh về Khoa Cơ khí Giao thông, về Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng trong tôi là mãi mãi.

                                                           Quảng Nam, tháng 8-2015

                                                Cựu sinh viên: Đăng Bảo Lâm, khóa 17-1991-Lớp91N1

 

10 NĂM XA MÁI TRƯỜNG THÂN YÊU

Huỳnh Tấn Tiến, Niên khóa 2000 - 2005

Kể từ ngày chúng em chia tay các thầy, cô, bạn bè, rời mái trường thân yêu,  nay đã 10 năm rồi…

Ngày xưa rồi cũng đi qua

Dấu chân kỷ niệm nhạt nhòa nắng mưa

Đường qua lối cũ trường xưa

Ai quên, ai nhớ tiễn đưa một ngày

                            (CÒN MÃI.., Tác giả: Hồng Liễu)

Và cũng ngần ấy thời gian, mỗi chúng ta bị cuốn theo dòng xoáy cuộc đời với bao suy nghĩ, lo toan cho cuộc sống, với bao niềm vui,nỗi buồn …

Nhưng có một điều chắc chắn rằng mỗi người trong chúng em không thể quên được, đó là những ngày còn học chung dưới mái trường thân yêu, bên các thầy, cô kính mến. Những kỷ niệm ngày xưa ấy bất chợt dâng lên trong lòng một nỗi niềm bồi hồi, xúc động, để rồi  mong muốn được trở lại mái trường thân yêu một lần nữa, để được gặp lại thầy, cô thân yêu và các bạn.

Trở lại trường xưa sau 10 năm, mỗi chúng như được sống lại với những kỷ niệm thời ấy. Vẫn còn đó những buồn vui của một thời sinh viên chập chững bước vào đời, vẫn còn đó tận sâu trái tim mỗi người là sự trân trọng, là tình cảm mà chúng em dành cho những người Thầy, người Cô đáng kính. Chúng em vẫn nhớ như in những giờ lên lớp đầy nhiệt huyết của các thầy cô, và chúng em cũng không thể quên những bài học làm người, học lòng dũng cảm, học đức hy sinh, học cách đối nhân xử thế mà các thầy, cô giáo đã dành cho chúng em. Chính những bài học ấy, mà bây giờ hàng ngày, hàng giờ đã làm thay đổi nhận thức, phong cách sống của chúng em. Chúng em hiểu không chỉ học những kiến thức từ bài giảng, mà chúng em còn được học cả phong cách, đạo đức của thầy cô, để  giờ đây dù đã dặn dạy hơn, nhưng thực sự chúng em vẫn thấy mình nhỏ bé trước những gì thầy cô đã trao cho mình.

10 năm ngày trở về, được gặp lại những gương mặt thầy cô thân thương với mái tóc điểm bạc, những giọng nói nghiêm nghị hay ánh mắt trìu mến nhìn học trò – thật sự là nổi niềm bất tận. Mong các thầy cô hãy tin tưởng ở chúng em, sẽ luôn là lớp học trò xứng đáng với những gì các thầy cô hằng dạy bảo.

Xa rồi để nhớ thẫn thờ

Những ngày còn lại thôi chờ…tiếng ve

Quay vòng dĩ vãng lặng nghe...

Tiếng chuông báo tiết như se thắt lòng!

Hôm qua đã trở thành quá khứ…Xin cất giữ lại trong tim những hình ảnh đáng yêu nhất…những khoảnh khắc hồn nhiên nhất của tuổi học trò…để ta lại vững tâm bước tiếp vào chặng đường còn lại của cuộc đời…

Có ai đó đã ví thầy cô như người chèo đò, còn chúng em là những khách qua sông. Khách qua sông rồi, người chèo đò vẫn miệt mài giữa đôi bờ đưa bao thế hệ đi ngang dòng sông tri thức. Và hôm nay thật vui vì những khách qua sông đã trở về bến đò xưa, bên cạnh người chèo đò lặng lẽ. Nhìn lại những dấu ấn thời gian đã qua, chúng em cảm nhận sâu sắc sự lớn lên của mình giữa cuộc đời bận rộn, đầy lo toan, mỗi khi nghĩ về thầy, cô và các bạn về khoảng thời gian được học dưới mái trường mến yêu, lòng chúng em như ấm lại, tự nhủ mình cần phải sống sao cho xứng đáng.

Chúng em biết rằng,10 năm qua thầy cô là những người luôn âm thầm dõi theo từng bước đi của chúng em. Bên cạnh những niềm vui khi hay tin học trò mình thành đạt nhưng chắc chắn cũng có không ít những nỗi buồn và lo lắng khi biết rằng học trò mình gặp thất bại, khó khăn. Để đáp lại tấm lòng yêu thương cao quý đó, chúng em xin hứa sẽ tiếp tục phấn đấu hết sức mình, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đạt được những ước mơ của mình.

Cuối cùng, cho phép em được thay mặt toàn thể các bạn sinh viên lớp 00C4 niên khóa 2000-2005 xin kính chúc các thầy cô giáo mạnh khỏe, hạnh phúc và luôn giữ mãi tình yêu nghề trong trái tim mình. Chúc các bạn cùng gia đình, luôn vui trong lý tưởng, trẻ trong tâm hồn, sáng ngời trong tương lai.

Chúc cho Khoa Cơ khí Giao thông, Trường Đại học Bách khoa của chúng ta ngày càng phát triển trong sự nghiệp trồng người, đào tạo ra những lớp người đủ đức, đủ tài, làm rạng danh quê hương đất nước của chúng ta.

00C4A

 

GIẢNG ĐƯỜNG MÙA THI

Lê Văn Hiểu, sinh viên 88N1

Giảng đường em ơi mùa thi thân quen,

Những dáng người im lìm buồn bã

Trang giấy đặc đen nằm nghiêng ngửa

Đôi mắt thẩn thờ, nuối tiếc, xốn xang…

 

Giờ giải lao anh lại ra lan can,

Nơi hai đứa có lần bứt lá

Anh bứt cho mình nỗi nhớ

Không phải chiều nay mà cả chiều xưa.

 

Chúng mình còn có cả một trời mưa,

Chờ vắng người che chung chiếc áo

Anh nhìn vẻ thẹn thùng em giấu

Để giọt thương thấm ướt lòng mình.

 

Khu D, hoàng hôn ngơ ngác vào phòng

Anh muốn về, em muốn ngồi chút nữa

Khoảng cách hai ta là hương “xí muội”

Và mùa thi nơm nớp xưng tên

 

Lần đầu đời anh nắm tay em

Vồ vập yêu thương, run lên sợ mất

Không giấu lòng mình hai trái tim đều khóc:

“Vĩnh viễn cuộc đời không thể thiếu nhau…”

 

Anh ước chiều nay hối hả qua mau

Để hoàng hôn hôm xưa trở lại

Anh rủ em về, em lắc đầu e ngại

Để chiều, thật chiều… chỉ còn có ta thôi.

             Trường ĐHBK Đà Nẵng, 1990