DHBK

Phê bình kiến trúc từ những quan điểm nhân văn

23/02/2019 10:27

“Thêm vào việc biết một chút gì đó về kiến trúc, anh còn phải biết một chút gì đó về tất cả mọi điều”

Thomas Fisher
Nguồn: Wikipedia

Đây là lời khuyên mà anh sinh viên Thomas Fisher nhận được từ Lewis Mumford khi anh trình bày nguyện vọng muốn trở thành nhà phê bình kiến trúc. Trong bài báo trên tạp chí online Place, Fisher – sau này đã trở thành một nhà phê bình chuyên nghiệp, cho rằng: Cần có loại phê bình kiến trúc tốt hơn, loại phê bình đánh giá mức độ công trình có gắn bó với địa điểm; loại phê bình thúc giục một sự kết nối giữa công trình với cảm xúc của con người và lịch sử. Fisher cho rằng Mumford, Jane Jacobs và Ada Louis Huxtable là các bậc thầy mẫu mực trong phê bình kiến trúc.

Trong góp ý kiến ngắn này tôi muốn điểm qua một số xu hướng trong phê bình kiến trúc đương đại.

Là một nhà bác học hoạt động trong nhiều lĩnh vực, Mumford đã khảo sát kiến trúc của toàn thành phố New York. Ông không chỉ quan tâm tới các dự án nổi bật mà cả các công trình công cộng quy mô nhỏ và thuộc tầng lớp bình dân như các khu chung cư ở Queens hay các xưởng giặt ở Bronx. Theo Mumford, kiến trúc là một lăng kính mà qua đó chúng ta quan sát và hiểu nền văn hóa của bản thân chúng ta. Mumford cho rằng: kiến trúc cho chúng ta biết về sự thỏa hiệp và sự lo âu góp phần vào hoàn cảnh của con người hơn hầu hết các loại hình nghệ thuật khác. Một trong những thất bại rõ ràng của phê bình kiến trúc là sự thờ ơ của công chúng tới việc biến mất các chuyên mục phê bình trên báo – Lý do là: Phê bình không có liên hệ gì tới trải nghiệm của họ.

Theo Fisher, Ada Louise Huxtable là nhà phê bình hoạt động ở các quy mô khác nhau của thành phố, bà là người sảnh sỏi (connoisseur) về các đặc tính của khu lân bang, bà phân tích thực tế đa diện phía sau việc tạo thành các công trình kiến trúc.

Jane Jacobs
Nguồn: Lynn Gilbert 1976 Wikipedia

Là một nhân vật kiệt xuất khác trong lĩnh vực nghiên cứu kiến trúc, Jane Jacobs còn là nhà phê bình xuất sắc về kiến trúc và đô thị tại Greenwich Village. Bà quan sát và nhận thấy các chi tiết của đời sống đô thị như một phần của cái toàn thể lớn. Quan trọng hơn thế, Jane Jacobs có năng lực trừu tượng hóa thực tại để phát triển thành các lý thuyết giúp giải thích một loạt các hiện tượng, bà khuyến khích sự đa dạng trong kiến trúc, quy hoạch đô thị và ủng hộ tính chất hữu cơ của thành phố: Đó là sự phát triển dần dần và sự tăng cường tính toàn thể của đô thị. Cuối cùng, Fisher cho rằng phê bình kiến trúc cần phải nhân bản hơn.

Trong bài “Sự thất bại của phê bình kiến trúc” trên tờ Huffingtonpost , tác giả Lancey Hosey cho rằng kiến trúc hiện đại và kiến trúc của các KTS ngôi sao mang lại nhiều thiệt hại hơn là đóng góp cho cộng đồng. Chúng không có khả năng nâng cao chất lượng cuộc sống vì chúng không có khả năng kết nối với con người. Trong khi đó, nhà phê bình kiến trúc kỳ cựu của The New York Time – như Nicolai Ourossoff- lại coi các kiến trúc kinh dị mà tòa nhà CCTV do Rem Koolhaas thiết kế tại Bắc Kinh như là loại kiến trúc vĩ đại, thậm chí: “Như là một mệnh đề của nước Trung Hoa mới đang tiến về tương lai”. Hocey cho rằng, về bản chất, phê bình kiến trúc hiện tại vẫn coi công trình như một loại hình nghệ thuật. Theo ông, Ourossoff đã bỏ qua các khía cạnh khoa học trong việc xây dựng môi trường sống. Chẳng hạn một ngành khoa học mới như Biophilia là khoa học tìm hiểu sự hấp dẫn tự thân của con người tới các kiểu thức của tự nhiên: Không gian, hình dạng, hay chất cảm bề mặt. Hosey còn cho rằng: Phê bình kiến trúc cần thoát khỏi cái hộp kín của nghệ thuật và phong cách, rằng kiến trúc không phải là hàng hóa, mà là nền tảng của cuộc sống.

Cuối cùng, tôi cho rằng phê bình và nghiên cứu kiến trúc không thể tách rời lẫn nhau. Không thể có phê bình kiến trúc nếu không có nghiên cứu kiến trúc như sự nghiệp đồ sộ của Lewis Mumford và Jane Jacobs đã chỉ ra. Để làm được điều đó, các nghiên cứu trong lĩnh vực biophilia hay trong các nghiên cứu thuộc event-based design cần trở thành một hành trang của nhà phê bình.

TS. Nguyễn Hồng Ngọc – Khoa Kiến trúc Trường Đại học Bách Khoa- Đại học Đà Nẵng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2018)